Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong cả năm vừa qua, tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng vi xử lý đã trở thành một vấn đề lớn đối với toàn ngành sản xuất chất bán dẫn nói chung. Nhiều nhà sản xuất đã phải chật vật để có thể xoay sở các biện pháp khắc phục nhằm cung cấp kịp thời các vi xử lý cho các khách hàng của mình.
Điều này xảy ra do nhu cầu tăng đột biến với các sản phẩm khác nhau dẫn đến sự thiếu hụt silicon ngày càng nghiêm trọng. Chủ tịch kiêm CEO sắp tới của Qualcomm - Cristiano Amon nói với CNET rằng sự thiếu hụt chất bán dẫn đang “tác động đến mọi thứ, và tất nhiên ảnh hưởng đến điện thoại”. Ông nói thêm sự thiếu hụt có thể tiếp tục cho đến cuối năm 2021.
Giống như hầu hết các nhà sản xuất chip, Qualcomm thuê các công ty ngoài sản xuất theo đơn hàng. Một số đối tác nổi bật của Qualcomm có thể kể đến là hãng chip Đài Loan TSMC và nhà sản xuất Samsung Electronics. Mặc dù vậy, sự kết hợp của hai ông lớn này vẫn không thể đáp ứng được đơn hàng chip tăng vọt của Qualcomm nói riêng và nhu cầu chip mạnh mẽ trên toàn cầu nói chung. Gần đây, các nhà sản xuất xe hơi đã đưa ra phàn nàn về tình trạng này, nhưng Qualcomm giải thích rằng vấn đề không chỉ nằm ở các công ty gia công mà còn có các yếu tố khác tác động.
Không có thông tin từ Amon về việc phân khúc smartphone nào bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự thiếu hụt chất bán dẫn, nhưng các điện thoại sử dụng chip 5nm tiên tiến như Snapdragon 888 có thể bị ảnh hưởng.
Như vậy, việc thiếu hụt nguồn cung chip xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc sản xuất và cung cấp smartphone ra thị trường trong tương lai. Người dùng có thể sẽ phải chờ đợi một khoảng thời gian dài để các nhà sản xuất khôi phục nguồn cung ứng chip. Cho tới lúc đó, số lượng smartphone mới bán ra thị trường sẽ rất hạn chế.