Tin giả đang trở thành vấn nạn toàn cầu, gây bất ổn về chính trị, kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, nhiều quốc gia phải ban hành một luật riêng để đối phó với tin giả.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, những năm gần đây, xu hướng người dân đọc tin tức qua mạng, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật.
Tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế... Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhằm nâng cao nhận thức và tăng sức đề kháng của người dân trước tin giả tràn lan trên mạng, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã cho ra mắt cuốn “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, tin giả luôn tồn tại và ngày càng khó lường. Ông lấy ví dụ, có những chuyên gia làm công tác phòng chống tin giả, nhưng cũng có lần mắc phải tin giả, chia sẻ trên mạng xã hội và bị phạt 7,5 triệu đồng.
"Mọi người cần luyện thói quen không tin ngay vào mọi thứ thấy trên mạng, suy nghĩ hai lần trước khi chia sẻ thông tin, bình luận về tin tức trên mạng, đồng thời tham khảo ý kiến bạn bè hoặc chờ xác nhận từ cơ quan có thẩm quyền khi có nghi ngờ", ông Do nói.
Đây cũng là một trong bốn nguyên tắc cho người dùng để hành động có trách nhiệm trên không gia mạng, bên cạnh các nguyên tắc như: luôn kiểm tra nguồn tin, độ tin cậy của thông tin; tôn trọng suy nghĩ, quyền riêng tư của người khác; và cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tin giả.
Theo đại diện Cục, xu hướng người dân đọc tin tức, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh, trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin sai sự thật.
Các thông tin dạng này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân, đến an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế... Thời gian qua, đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, như phối hợp với các nền tảng xuyên biên giới để gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật, xử phạt cá nhân vi phạm... Tuy nhiên, tin giả vẫn liên tục được sản sinh, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn.
Đây là lý do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành cẩm nang nhằm giúp nâng cao nhận thức về trách nhiệm trên Internet cho người dùng Việt, đồng thời cung cấp kỹ năng cơ bản để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có kiến thức cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin sai sự thật có xu hướng tăng trên không gian mạng hiện nay.
Cẩm nang được xây dựng với 2 phiên bản: Phiên bản sách in và phiên bản điện tử. Cẩm nang cho phép người dùng có thể nhanh chóng nắm được thông tin như: Dấu hiệu nhận biết một tin giả; cách xác định tin giả; làm thế nào để tránh bẫy tin giả...
Thông qua cuốn cẩm nang, người dùng cũng sẽ biết được phải làm gì nếu lỡ đăng tải, chia sẻ tin giả tin sai sự thật, tin sai sự thật; cách xử lý khi thấy tin giả...
Cẩm nang đặc biệt nhấn mạnh tới hành động có trách nhiệm trên không gian mạng và cũng đưa ra các mức phạt hành chính và xử lý hình sự của việc cung cấp chia sẻ tin giả tin sai sự thật. Mức phạt hành chính cao nhất là 70.000.000 đồng và phạt tù lên tới 12 năm.
Cẩm nang có ý nghĩa quan trọng, cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng xử lý tin giả hiệu quả nhất.
Phiên bản điện tử sẽ tiếp tục là một cuốn cẩm nang mở để cập nhật các hình thức tin giả, lừa đảo xuất hiện mới trên không gian mạng, từ đó nhanh chóng đưa ra khuyến cáo tới người dùng.