Chiều 28/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Ngoài những vấn đề chung, thường xuyên về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận về: Xây dựng bản đồ thực phẩm an toàn, mô hình ban quản lý an toàn thực phẩm các địa phương, hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng vừa qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng và phát triển 1.668 mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm; 463.000 ha cây trồng và gần 17.000 ha thuỷ sản được chứng nhận VietGAP; gần 7,5 triệu lượt hộ kinh doanh, hội viên nông dân ký cam kết bảo đảm ATTP.
Việc thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chứng tỏ hiệu quả, góp phần giữ vững thành quả bảo đảm ATTP, nhất là trong khu vực thực phẩm nông sản, sản xuất nhỏ lẻ.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải.
Tính đến ngày 15/6, ngành y tế đã kiểm tra trên 290.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 30.000 cơ sở vi phạm, xử lý 6.181 cơ sở với tổng số tiến phạt là 52 tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp xử lý vi phạm 1.184/26.672 cơ sở thanh tra, kiểm tra với số tiền 13,25 tỷ đồng.
Ngành công thương xử lý 1.472/2.493 vụ việc với số tiền 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 10,5 tỷ đồng.
Lực lượng công an đã phát hiện 4.921 vụ việc vi phạm về ATTP, khởi tố 7 vụ, còn lại là xử lý hành chính và chuyển cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền với tổng số tiền phạt là 18,5 tỷ đồng.
Về kiểm nghiệm, giám sát và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm, các phòng xét nghiệm của ngành y tế đã thực hiện kiểm nghiệm 15.200 mẫu thực phẩm, trong đó có 452 mẫu không đạt. Ngành nông nghiệp lấy 16.826 mẫu nông lâm thuỷ sản, phát hiện 444 mẫu vi phạm. Tính đến ngày 18/7, theo báo cáo của 30 tỉnh/thành phố, trong số 36.088 mẫu thực phẩm được giám sát có 1.570 mẫu không đạt.
Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm được thực hiện quyết liệt và đồng bộ. Tính đến ngày 26/6, cả nước ghi nhận 16 vụ (giảm 40 vụ so với cùng kỳ) với 279 người mắc (giảm 1.169 người), 4 người tử vong (giảm 4 người).
Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cũng nêu một số tồn tại về thực phẩm không bảo đảm an toàn như: Thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, nhập lậu, hàng nhái; quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật; bán sản phẩm không bảo đảm an toàn, chứa chất cấm… không đảm bảo ATTP vẫn còn.
Các ý kiến tại cuộc họp đánh giá cùng với việc phục hồi kinh tế-xã hội, những vi phạm về ATTP sẽ có những diễn biến phức tạp, như nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể, ngộ độc rượu, hiện tượng có chất gây nghiện trong thực phẩm chức năng, đồ uống,… Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị các bộ ngành, địa phương phải xác định rõ người, rõ việc, rõ thời gian trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm ATTP, cũng như xử lý vi phạm.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu siết lại công tác bảo đảm ATTP, cũng như nhiều chương trình phối hợp giữa các bộ, ngành và đoàn thể sau thời gian chững lại do dịch bệnh.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế siết lại hệ thống thông tin an toàn thực phẩm đúng theo tinh thần của Luật ATTP "quản lý theo chiều dọc" để người dân nhận diện được các địa chỉ ATTP.
Thông qua sơ kết hoạt động thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP tại Bắc Ninh, TPHCM, Đà Nẵng, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế làm việc với 3 địa phương để trình Thủ tướng phương án hoạt động tiếp theo sau khi hết thời gian thí điểm. Trong đó tập trung tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu cơ chế huy động DN tham gia một số khâu, bước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP.
Về vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm kết luận cuộc họp gần đây về vấn đề này. Các ngành y tế, văn hoá, thông tin và truyền thông chủ động rà soát, làm việc với các cơ quan báo chí, truyền thông, các nền tảng xã hội để chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng phải được xử lý, chấn chỉnh nghiêm… với tinh thần đặt lợi ích của người dân lên trên hết và phải rõ trách nhiệm của từng ngành.
Đồng thời, các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về ATTP theo hướng đánh giá nguy cơ, quản lý rủi ro; huy động sự tham gia của các cấp hội nông dân, phụ nữ, thanh niên…
Liên quan đến dự thảo Thông tư hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp thu ý kiến, làm việc trực tiếp với các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, đối thoại với hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để bảo đảm sức khoẻ của người dân một cách khoa học, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trước việc nhiều vụ ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu xảy ra gần đây, xuất hiện chất gây nghiện trong thực phẩm chức năng, đồ uống, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, ngoài thanh tra, kiểm tra, cần tập trung nghiên cứu, có chỉ đạo sát, nhất là tại những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. "Thời gian tới cần quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động kinh doanh thực phẩm đường phố, nhất là những cơ sở, mặt hàng có nguy cơ sử dụng nguyên liệu quá hạn, nguyên liệu bẩn", Phó Thủ tướng lưu ý.