Báo cáo mới nhất từ IDC cho biết các lô hàng máy tính xuất xưởng trên toàn cầu trong quý II đã giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là quý thứ 6 liên tiếp thị trường máy tính sụt giảm.
Theo IDC, trong cùng kỳ, doanh số PC giảm 13,4% từ 71,1 triệu máy xuống 61,6 triệu máy. Dù giá đắt, máy tính của Apple vẫn có lượng người dùng trung thành. Công ty tiếp tục phát triển chipset riêng để giảm hoàn toàn phụ thuộc vào Intel. Vào tháng 6, “Táo khuyết” giới thiệu Mac Pro mới trang bị chip M2 Ultra.
Lenovo, HP, Dell và Acer đều sụt giảm nghiêm trọng. Acer bị nặng nhất với mức giảm 19,2% so với một năm trước, còn HP bán được 13,4 triệu máy, không có nhiều thay đổi so với con số 13,5 triệu máy cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia cho biết thị trường vẫn đang bị tác động nặng nề từ những khó khăn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dùng cá nhân cũng như doanh nghiệp đều đã giảm mạnh. Dù vậy, kết quả trên vẫn tốt hơn đáng kể so với những kỳ vọng ban đầu.
Trong khi đó, hãng nghiên cứu Canalys lại cho rằng sự sụt giảm trên thị trường PC toàn cầu đã chậm lại và Apple đánh bại thị trường với mức tăng 51% nhờ MacBook Air 15 inch vừa ra mắt. Canalys nhận định ngành công nghiệp bắt đầu phục hồi do người dùng cá nhân và tổ chức bước vào chu kỳ nâng cấp thiết bị hậu Covid-19.
Theo Canalys, thị trường PC toàn cầu giảm 12% trong quý II, thấp hơn đáng kể so với mức giảm 30% hai quý trước đó. Ishan Dutt, nhà phân tích trưởng của Canalys, nhận xét có những chỉ báo cho thấy nhiều vấn đề ảnh hưởng đến ngành đã giảm bớt.
Số liệu của Canalys cho thấy Apple bán được 6,8 triệu máy tính, thị phần tăng từ 6,4% lên 11% trong vòng một năm do các trở ngại chuỗi cung ứng được xử lý và hưởng lợi từ nhu cầu MacBook Air mới. Doanh số Lenovo giảm 18,1%.
"Lượng hàng tồn kho trong các kênh phân phối đã kéo thị trường đi xuống. Vấn đề này đang giảm dần, nhưng các nhà cung cấp vẫn phải nỗ lực tìm cách giải phóng lượng hàng tồn kho từ trước đó", Jitesh Ubrani, giám đốc cấp cao tại IDC, chia sẻ.
Lenovo tiếp tục là nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới khi chiếm 23,1% thị phần. Tuy nhiên, lượng hàng mà công ty xuất xưởng đã giảm tới 18,4% so với giai đoạn quý II/2022.
Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về HP (21,8%), Dell (16,8%), Apple (8,6%) và Acer (6,4%). Trong đó, Apple là nhà sản xuất duy nhất duy trì được mức độ tăng trưởng dương.
Ryan Reith, một chuyên gia cấp cao tại IDC, cho biết ngành công nghiệp máy tính đã phải đối mặt với sự mất cân bằng về cung và cầu nghiêm trọng trong suốt khoảng thời gian 5 năm vừa qua.
"Các công ty không muốn rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung như trong năm 2020 và 2021. Tuy vậy, họ cũng lo ngại về nhu cầu của thị trường trong tương lai. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy người dùng sẽ ưu tiên điện thoại thông minh hơn máy tính", Ryan chia sẻ.