Ấn Độ đang từng bước khẳng định tham vọng trở thành trung tâm bán dẫn lớn của thế giới, đồng thời thu hút các công ty nước ngoài đến thiết lập hoạt động tại nước này.
Cụ thể, Tập đoàn Tata của Ấn Độ (TEPL) sẽ hợp tác với tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Powerchip của Đài Loan (PSMC) để thành lập nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Dholera, bang Gujarat, với khoản đầu tư gần 11 tỷ USD. Nhà máy này có công suất 50.000 tấm wafer mỗi tháng.
Trong khi Công ty CG Power của Ấn Độ hợp tác với Tập đoàn điện tử Renesas của Nhật Bản và Stars Microelectronics của Thái Lan, sẽ thành lập một nhà máy bán dẫn khác ở Sanand, bang Gujarat, với khoản đầu tư gần 1 tỷ USD. Nhà máy này sẽ tập trung sản xuất chip cho các sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp, ôtô và năng lượng, với công suất 15 triệu chip mỗi ngày.
Nhà máy còn lại sẽ do công ty TSAT, thuộc tập đoàn Tata, thành lập ở Morigaon, bang Assam, với khoản đầu tư 3,26 tỷ USD. Công suất của nhà máy thứ ba này sẽ là 48 triệu chip mỗi ngày, tập trung vào các sản phẩm cho ôtô, xe điện, điện tử tiêu dùng, viễn thông, điện thoại di động...
Việc xây dựng 3 nhà máy bán dẫn này đã được Nội các Ấn Độ phê duyệt hồi tháng trước trong khuôn khổ chương trình "Phát triển Hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn và màn hình ở Ấn Độ" trị giá 760 tỷ rupee (khoảng 9,17 tỷ USD) đã được công bố vào cuối năm 2021.
Theo Thủ tướng Ấn Độ, việc thành lập 3 nhà máy chip bán dẫn mới sẽ góp phần đẩy nhanh việc tạo việc làm trong ngành ôtô, sản xuất điện tử, sản xuất viễn thông, sản xuất công nghiệp và các ngành tiêu thụ chất bán dẫn khác của Ấn Độ; trực tiếp tạo ra 20.000 việc làm công nghệ cao và 60.000 việc làm gián tiếp.
“Ấn Độ sẽ sớm bắt đầu sản xuất thương mại chất bán dẫn và các sản phẩm liên quan và trở thành cường quốc toàn cầu trong lĩnh vực này tương tự như công nghệ không gian, hạt nhân và kỹ thuật số”, Thủ tướng Modi nhấn mạnh.
Là một phần trong sáng kiến "Ấn Độ tự cường" và "Sản xuất tại Ấn Độ", chính phủ nước này đã đưa ra các chương trình khuyến khích liên kết sản xuất trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm giúp các nhà sản xuất nước này có khả năng cạnh tranh toàn cầu, thu hút đầu tư, tăng cường xuất khẩu, hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Trước đó, giới chức Ấn Độ khẳng định quốc gia Nam Á này sẽ nổi lên là trung tâm sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, sau khi Nội các phê duyệt việc thành lập 3 nhà máy bán dẫn.
Theo Bộ trưởng Điện tử và Công nghệ thông tin Ashwini Vaishnaw, công tác xây dựng 3 cơ sở trên sẽ bắt đầu trong vòng 100 ngày tới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập một đơn vị bán dẫn ở Assam.
Ông Vaishnaw cho hay, quyết định trên của chính phủ cho phép khu vực Đông Bắc của đất nước sẽ có đơn vị sản xuất chất bán dẫn đầu tiên. Các sản phẩm bán dẫn sản xuất tại bang Assam sẽ được các công ty ô tô lớn trên toàn cầu sử dụng.