Sự kiện Triển lãm Chuyển đổi công nghiệp CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG (ITAP) 2023 là bệ phóng cho hơn 50 sản phẩm và giải pháp mới ra thị trường và vào khu vực nhằm chuyển đổi nền kinh tế của khu vực lĩnh vực sản xuất tiên tiến.
Ông Cao Xuân Thắng – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore, nhấn mạnh, trong những năm gần đây, mối quan hệ kinh tế giữa Singapore và Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Từ năm 2020 đến nay, Singapore là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam, với hơn 3.000 dự án trên nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp chế biến, chế tạo đến bất động sản, sản xuất điện, bán buôn và bán lẻ, khoa học công nghệ.
Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021. Để đạt được những kết quả này, ngành điện tử đóng vai trò rất quan trọng. Chính phủ Việt Nam xác định công nghiệp điện tử là ngành sản xuất giữ vị trí chủ chốt trong nền kinh tế hiện đại và có tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác.
Singapore là quốc gia có nhiều kinh nghiệm và đi đầu trong khu vực về phát triển công nghiệp điện tử. Qua phiên tọa đàm này, các doanh nghiệp Singapore và Việt Nam sẽ hiểu nhau hơn, có thêm thông tin về doanh nghiệp của nhau, hình thành các chương trình hợp tác hiệu quả, phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) nêu bật “bức tranh” tổng quan về dòng vốn FDI ngành điện tử vào Việt Nam và toàn cảnh hệ sinh thái chuỗi cung ứng điện tử tại Việt Nam. Tổng vốn đăng ký thu hút đầu tư quý I/2023 cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Sự phục hồi sau đại dịch covid-19 là tín hiệu tốt của sự phát triển, cho thấy điều kiện thu hút đầu tư của Việt Nam đáp ứng khá tốt yêu cầu của các nhà đầu tư lớn. Với việc các nhà đầu tư lớn trong ngành thành lập nhà máy tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt có lợi thế trong việc thu hút các nhà đầu tư khác trong chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư lớn, từ đó hoàn thiện chuỗi cung ứng của ngành.
Hiện nay, Hàn Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu dự án FDI vào ngành điện tử tại Việt Nam. Các công ty công nghệ lớn như Apple, Foxconn, Luxshare, Pegatron và Wistron đang dần chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đầu năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tiếp đón rất nhiều đoàn doanh nghiệp đến từ châu Âu, Đông Âu, Nga… những đoàn doanh nghiệp này có chung mong muốn tìm kiếm những sản phẩm điện tử chất lượng từ Việt Nam. Điều này đang mở ra những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp điện tử trong nước.
Một số loại thuế được hưởng ưu đãi như:
1. Thu nhập của doanh nghiệp được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, trong đó miễn thuế tối đa không quá 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 09 năm tiếp theo.
2. Trường hợp dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, doanh nghiệp được lựa chọn hưởng thuế suất ưu đãi về thuế thu nhập.
3. Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định.
4. Giảm 50% thuế đất phi nông nghiệp và được miễn hoàn toàn nếu dự án đầu tư này được thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Báo cáo Kinh tế kỹ thuật số Singapore do IMDA công bố ngày 6/10 cho thấy, nền kinh tế kĩ thuật số của nước này đã tăng gần gấp đôi giá trị, với đóng góp kinh tế tăng từ 58 tỷ đô la Singapore (43 tỷ USD) lên 106 tỷ đô la Singapore (78 tỷ USD) chỉ trong 5 năm. Lĩnh vực vi mạch bán dẫn là một trong những động lực chính của nền kinh tế nước này, đóng góp 33 tỷ đô la Singapore (24 tỷ USD) hay 5,4% tổng GDP vào năm 2022.
Ông George Cho – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông và Công nghệ Singapore (ATIS) chia sẻ Singapore đặt trung tâm điện tử toàn cầu (bao gồm chất bán dẫn) ở ASEAN với các cơ sở sản xuất điện tử đẳng cấp thế giới và khả năng nghiên cứu phát triển toàn diện tạo ra hoạt động kinh doanh và cơ hội mới thông qua các lĩnh vực mới nổi như điện tử sinh học, điện tử xanh, điện tử in. Bên cạnh lĩnh vực điện-điện tử, ông cũng chỉ ra 5 xu hướng chính cho công nghệ viễn thông.
- Metaverse - kết hợp thế giới thực và thế giới kỹ thuật số thành một.
- Công nghệ thiết bị đeo và thiết bị cấy ghép.
- Những đổi mới về AR, VR, kết nối và dữ liệu.
- Sự bền vững - Những thay đổi về giá trị đang làm thay đổi hành vi và bối cảnh kinh doanh.
- Blockchain - Blockchain là một dạng sổ cái số dùng để ghi lại các hợp đồng, giao dịch.
Trên sàn triển lãm, các đại biểu và khách thương mại có cơ hội khám phá những công nghệ tiên tiến và học hỏi từ các tình huống sử dụng tại các khu vực trải nghiệm tương tác. Đoàn các doanh nghiệp của VEIA đã có cơ hội tham gia các chuyến tham quan bên ngoài đến các trung tâm đổi mới và các nhà máy tiên tiến hàng đầu tại Singapore như Trung tâm Đổi mới Sáng tạo của Siemens hay Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tự động hóa tại trường Đại học Bách khoa Singapore (Singapore Polytechnic).
Buổi kết nối với hệ sinh thái chuỗi cung ứng ngành công nghiêp điện tử Việt Nam tại ITAP 2023 được ghi dấu ấn đậm nét với lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) với Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông và Công nghệ Singapore (ATIS) với sự chứng kiến của ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore cùng nhiều doanh nghiệp điện tử đến từ Việt Nam và Singapore. Sự hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông & Công nghệ Singapore mở ra cơ hội kết nối doanh nghiệp giữa Việt Nam và Singapore, đặc biệt là việc chuyển đổi tự động hóa, số hóa, robot hóa trong các nhà máy sản xuất của chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện tử khu vực và thế giới.
Về Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA)
Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (viết tắt: VEIA) là tổ chức nghề nghiệp phạm vi toàn quốc.
Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tập hợp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông trong một tổ chức vững mạnh và đoàn kết để phát triển nền công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân.
Hiệp hội đại diện cho toàn ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông trước Chính phủ và các tổ chức nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và thúc đẩy hợp tác với các nhà sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước. Hiệp hội thực hiện các nhiệm vụ của mình thông qua các hoạt động rộng rãi trong ngành hàng.
Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với nhiều Hội, Hiệp hội cùng ngành hàng trong khu vực và trên thế giới và là thành viên chính thức của các tổ chức xã hội nghề nghiệp quốc tế như Diễn đàn Điện tử các nước ASEAN (2003), Diễn đàn Điện tử Châu Á (2004) và Điễn đàn Điện tử Thế giới (2009).
|