Theo Nikkei, một số hãng máy tính lớn như HP, Dell và Asus đã yêu cầu đối tác cắt sản lượng cung ứng linh kiện trong những quý tiếp theo. Nhiều công ty nhỏ cũng giảm 20% đơn đặt linh kiện trong quý II vì lo ngại lạm phát và tình hình xung đột tại Ukraine.
Lãnh đạo một công ty cung cấp linh kiện cho HP, Dell, Lenovo, Acer và Asus nói với Nikkei rằng khách hàng hiện tại ưu tiên xử lý lượng máy tồn kho hơn là sản xuất máy mới.
"Chúng tôi đã nhận thông báo từ một số khách hàng yêu cầu sản xuất ít linh kiện hơn từ giữa tháng 2, đồng thời liên lạc thường xuyên với họ trong một tháng qua để thảo luận về biến động thị trường do xung đột", vị này cho biết.
Động thái cắt sản lượng máy tính từ nhà sản xuất là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của người dùng đang hạ nhiệt sau 2 năm bùng nổ. Khi đại dịch lan rộng vào năm 2020, nhu cầu làm việc, học tập online khiến nhiều người mua máy tính mới.
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và bất ổn chính trị khiến thị trường máy tính quý II được dự báo sụt giảm so với năm ngoái.
Theo Nikkei, một số hãng máy tính lớn như HP, Dell và Asus đã yêu cầu đối tác cắt sản lượng cung ứng linh kiện trong những quý tiếp theo. Nhiều công ty nhỏ cũng giảm 20% đơn đặt linh kiện trong quý II vì lo ngại lạm phát và tình hình xung đột tại Ukraine.
Lãnh đạo một công ty cung cấp linh kiện cho HP, Dell, Lenovo, Acer và Asus nói với Nikkei rằng khách hàng hiện tại ưu tiên xử lý lượng máy tồn kho hơn là sản xuất máy mới.
"Chúng tôi đã nhận thông báo từ một số khách hàng yêu cầu sản xuất ít linh kiện hơn từ giữa tháng 2, đồng thời liên lạc thường xuyên với họ trong một tháng qua để thảo luận về biến động thị trường do xung đột", vị này cho biết.
Thị trường chững lại sau 2 năm bùng nổ
Động thái cắt sản lượng máy tính từ nhà sản xuất là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của người dùng đang hạ nhiệt sau 2 năm bùng nổ. Khi đại dịch lan rộng vào năm 2020, nhu cầu làm việc, học tập online khiến nhiều người mua máy tính mới.
Xu hướng vẫn kéo dài đến quý I, nhưng xung đột Nga - Ukraine từ cuối tháng 2 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, xáo trộn kế hoạch của các hãng máy tính trong quý kế tiếp.
Sản lượng máy tính trong quý II sẽ giảm thay vì tăng nhẹ như các dự báo trước đây. Theo IDC, thị trường máy tính tăng trưởng lần lượt 13% và 14% trong năm 2020, 2021. Trước đó, Apple đã cắt sản lượng khoảng 3 triệu chiếc iPhone SE 2022 trong quý II do tình hình chính trị.
Chuỗi cung ứng dự báo dòng máy tính cho lĩnh vực giáo dục sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất. Sản lượng các mẫu Chromebook trong năm nay có thể giảm hơn 40%, xuống khoảng 20 triệu chiếc do hầu hết nhà sản xuất chuyển hướng tập trung sang các mẫu laptop cao cấp cho thị trường phổ thông. Điều đó giúp duy trì tỷ suất lợi nhuận trong bối cảnh khủng hoảng chip và chi phí sản xuất gia tăng.
Theo Nikkei, nhu cầu sở hữu các mẫu máy tính chơi game và tiêu dùng sẽ có mức giảm thấp hơn, trong khi những model phục vụ kinh doanh có thể tăng trưởng chậm hơn ước tính.
Chia sẻ với nhà đầu tư, Joseph Hsu, Chủ tịch MSI cho biết doanh số tại một số nước châu Âu chậm lại, lượng hàng tồn kho đang "khá cao". Ông dự báo quý II là thời điểm kinh doanh thấp nhất do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.
"Một tháng trước, chúng tôi vẫn dự báo mức tăng trưởng nhẹ so với năm ngoái. Nhưng hiện tại, chúng tôi không mong đợi điều đó diễn ra và trong 2 quý tiếp theo, mức tăng trưởng sẽ giảm so với cùng kỳ năm ngoái", đại diện một hãng máy tính lớn tại Mỹ chia sẻ với Nikkei.
Lãnh đạo một công ty cung ứng linh kiện cho Asus và Microsoft nhận định chiến sự đã gây gián đoạn lớn với thị trường tiêu dùng Nga và Ukraine, với tổng dân số gần 190 triệu người.
HP, Dell, Apple và Samsung là những công ty đã ngừng phân phối sản phẩm ở Nga. Acer, Asus, MSI cũng dừng bán laptop tại đây tuy không công bố rộng rãi. Theo IDC, thị trường Nga chiếm khoảng 2%, tương đương 7 triệu máy tính bán ra trên toàn cầu năm 2021.
"Chúng tôi đã thấy tác động đến các khu vực xung quanh Ukraine, hành vi của người dùng cũng chịu ảnh hưởng", lãnh đạo một hãng sản xuất máy tính chơi game cho biết. Công ty này đã yêu cầu các nhà cung ứng giao ít hơn 15-20% linh kiện trong quý II.
Một số hãng như Lenovo, Acer vẫn chưa cắt giảm dự báo sản lượng cả năm do điều chỉnh sớm sẽ gây khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung. Vài công ty cũng hy vọng nhu cầu sẽ phục hồi nếu xung đột tại Ukraine sớm được giải quyết.
Ngoài bất ổn chính trị và khủng hoảng chip, ngành máy tính cũng đối mặt gián đoạn về hậu cần, chi phí tăng và chiến lược Zero-Covid tại Trung Quốc. "Hết cơn ác mộng này lại đến ác mộng khác", đại diện một hãng sản xuất laptop theo hợp đồng lớn chia sẻ.
Gokul Hariharan, trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JPMorgan nhận định doanh số thị trường PC năm nay sẽ giảm 6% so với mức 340 triệu chiếc trong năm 2021.
"Yếu tố tăng trưởng chính của thị trường PC trong 2 năm qua đến từ máy tính tiêu dùng và giáo dục, tuy nhiên doanh số Chromebook cho trường học chậm lại từ giữa năm ngoái, vẫn duy trì ở mức yếu. Trong khi đó, nhu cầu mua PC của người dùng thông thường và máy tính chơi game cũng giảm nhẹ", Hariharan cho biết.
Đại diện Acer từ chối bình luận do quy định tiết lộ thông tin. Asus vẫn đặt mục tiêu doanh số tăng trưởng trong cả năm 2022, nhưng không xác nhận thông tin điều chỉnh sản lượng. HP, Dell và Lenovo không đưa ra phản hồi.