Ngày 27-12, Ủy ban Hành chính Hạ viện Mỹ thông báo lệnh cấm TikTok trên tất cả các thiết bị di động do Hạ viện quản lý "vì một số nguy cơ bảo mật". Theo đó, các nhân viên của Hạ viện sẽ bị cấm tải TikTok - mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty Byte Dance có trụ sở tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và phải xóa ứng dụng được tải xuống gần đây trên thiết bị cơ quan. Lệnh cấm này tương tự một đạo luật sắp có hiệu lực mà theo đó sẽ cấm sử dụng TikTok trên những thiết bị của Chính phủ Mỹ.
Thời gian qua, ngày càng nhiều cơ quan chính phủ Mỹ cấm cửa TikTok trên các thiết bị của họ. Nhưng không dừng ở đó, Nhà Trắng cũng đang tính toán thâu tóm luôn mảng dịch vụ tại Mỹ của mạng xã hội này.
Trước đó, ngày 14/12 Thượng viện Mỹ đã thông qua một lệnh cấm tương tự. 19 tiểu bang, trong đó có Texas, Georgia, Maryland, South Dakota, South Carolina, Nebraska... cũng đã cấm. Quân đội Mỹ cũng đã loại ứng dụng này trên các thiết bị công. Dự luật chi tiêu mới trị giá 1.660 tỉ USD - được thông qua tuần trước để duy trì hoạt động của các cơ quan liên bang đến ngày 30/9/2023 - cũng bao gồm điều khoản cấm TikTok trên các thiết bị do liên bang quản lý.
Chính phủ Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để theo dõi người Mỹ và kiểm duyệt nội dung. Họ đã nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh có thể buộc nền tảng này chia sẻ dữ liệu người dùng. "Chúng tôi có những lo ngại về an ninh quốc gia, bao gồm khả năng Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng nó (TikTok) để kiểm soát việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng", Giám đốc FBI Christopher Wray nói hồi tháng 11/2022.
Đại diện của TikTok đã ra tuyên bố bày tỏ “thất vọng” trước quyết định của các nhà lập pháp Mỹ. Ông Michael Beckerman, người đứng đầu bộ phận chính sách công của TikTok tại châu Mỹ, trước đó đã lên tiếng rằng, những lo ngại về an ninh bị “cường điệu hóa”, điều mà giới chức Mỹ thường nêu lên và rằng TikTok thu thập ít dữ liệu hơn các mạng xã hội khác.
Tuy nhiên, TikTok có đưa ra lập luận thế nào song xem ra khó đảo ngược được nguy cơ ngày càng lớn với mạng xã hội thuộc sở hữu của Trung Quốc, tuy nhiên lại đang phát triển “bùng nổ” tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
TikTok hiện nay đã trở thành một kênh mạng xã hội phổ biến với lượng người dùng và tương tác ngày càng tăng tại Mỹ. Một người bình thường ở Mỹ mở ứng dụng TikTok khoảng 8 lần một ngày.
Không chỉ ra đời với mục đích mang tính giải trí cho người dùng, giờ đây TikTok như là một nền tảng truyền thông online cho các thương hiệu. Để có những chiến lược truyền thông thu hút người tiêu dùng, các thương hiệu như TikTok luôn muốn hiểu rõ về insight (sự thấu hiểu sâu sắc về nguyên nhân dẫn đến một hành động nào đó) khách hàng. Ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc này có những tính năng theo dõi lượt thích, không thích và thông tin cá nhân của người dùng, trong đó có địa chỉ email, số điện thoại và mạng wifi.
TikTok được cho là quét dữ liệu người dùng, trong đó có cả quyền truy cập vào danh bạ người dùng, xem qua tất cả những địa chỉ liên hệ của người dùng, kể cả những người này có trên TikTok hay không và họ đồng ý hay không.
Tuy nhiên, không ai biết TikTok làm gì với những dữ liệu thu được từ người dùng. Mặc dù tất cả các ứng dụng mạng xã hội khác cũng lấy dữ liệu tương tự của người dùng, song vấn đề mà chính giới Mỹ lo ngại là TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể buộc công ty chủ sở hữu của TikTok là Byte Dance chia sẻ dữ liệu thu thập được về người dùng.
Dù TikTok khẳng định, không chia sẻ dữ liệu với Chính phủ Trung Quốc và đang nỗ lực chuyển dữ liệu người dùng đến các máy chủ ở Mỹ. Tuy nhiên, các nhân viên an ninh và chính trị gia Mỹ không tin TikTok có thể làm vậy. Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray từng cảnh báo “những lo ngại về an ninh quốc gia, bao gồm khả năng Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng nó (TikTok) để kiểm soát việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng”. Người đứng đầu FBI nêu rõ, “cực kỳ lo ngại” về các rủi ro bảo mật liên quan đến TikTok.