Vừa qua, tại buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế, cho biết Sở Y tế đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế hướng dẫn về việc sử dụng, kê toa cũng như việc kinh doanh thuốc Molnupiravir trên địa bàn TP.HCM.
Người phát ngôn của Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm ngoài mặt hàng thuốc Molnupiravir mà các nhà thuốc đang chờ hướng dẫn để bán ra thị trường thì TP.HCM còn 36.000 liều thuốc Molnupiravir phát miễn phí, đang đặt tại các cơ sở y tế.
“Trước những phản ánh liên quan việc người nhiễm Covid-19 gọi đến trung tâm y tế nhưng được cung cấp thuốc chậm là do các cơ sở để dành cho các trường hợp nguy cơ. Sáng ngày 28/2, Sở Y tế TP.HCM đã có hướng dẫn cho các đơn vị sẽ thực hiện cấp phát đối với những đối tượng đủ điều kiện sử dụng”, bà Mai nói và cho biết thêm hiện người dân sử dụng thuốc Molnupiravir phải được thăm khám, được xác định là F0 và có toa của bác sĩ.
Liên quan câu hỏi của phóng viên về việc hiện nay có trường hợp quảng cáo thuốc Molnupiravir, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay đối với việc quảng cáo sản phẩm thuốc và sinh phẩm y tế được thực hiện theo quy định pháp luật, cụ thể trong những trường hợp này thì người kinh doanh quảng cáo phải có hồ sơ gửi về cơ quan có thẩm quyền để xác định nội dung quảng cáo đúng quy định thì mới tiến hành; riêng quảng cáo trên mạng thì sẽ có nguyên tắc của Sở TT-TT.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, thông tin theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì việc mua, bán thuốc Molnupiravir chưa phù hợp. Chính vì vậy, ông Hải kiến nghị trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế thì người nhiễm Covid-19 cần phải đến trạm y tế để khai báo để qua đó được quản lý, chăm sóc, theo dõi đúng theo quy định.
Thông tin về tình hình bán thuốc Molnupiravir tại các nhà thuốc, ông Phạm Đức Hải - phó Ban Tuyên giáo Thành ủy, phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID19 và phục hồi kinh tế TP - cho biết hiện nay thuốc đã có tại các nhà thuốc nhưng việc bán thuốc hiện nay chưa phù hợp với Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Ông Hải giải thích thêm: theo điều 3 của luật này, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus và các bệnh truyền nhiễm có khả năng lan truyền nhanh nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh thì thuộc nhóm A. Theo điều 48 của luật này, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.
2 năm qua, TP.HCM đã tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí khi bệnh nhân mắc COVID-19. Do đó, trước vấn đề mở bán thuốc Molnupiravir của các nhà thuốc, Sở Y tế TP.HCM phải xin hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế. Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có câu trả lời.
Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy cho rằng trong khi chờ câu trả lời của Bộ Y tế, người dân mắc bệnh phải khai báo y tế để được chăm sóc, theo dõi sức khỏe theo đúng quy định. Ở đây không phải F0 nào cũng sử dụng gói thuốc B, C mà phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Do đó người dân không nên tự uống hoặc mua thuốc B, C khi chưa có chỉ định.
Về phía các nhà thuốc, ông Hải cho rằng hiện nay "ai cũng sốt ruột vì thuốc đã có, người mua có, có giá" nhưng mong các đơn vị hãy chờ hướng dẫn đầy đủ của Bộ Y tế.
Ngoài ra, hiện nay TP vẫn còn 36.000 liều Molnupiravir để phục vụ người dân nên người dân không nên quá sốt ruột, khi mắc bệnh hãy khai báo với trạm y tế để được theo dõi, cấp phát thuốc theo đúng quy định.