Động thái này có thể mang lại lợi ích to lớn cho Huawei khi công ty đang lao đao vì lệnh cấm của chính phủ Mỹ từ năm ngoái. Các hạn chế gần đây nhất của chính phủ Mỹ đã cấm Huawei tìm nguồn cung ứng bất kỳ phần cứng nào được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ. Do các lệnh trừng phạt này, Huawei đã mất TSMC với tư cách là nhà sản xuất chip, buộc hãng phải dừng hoạt động sản xuất chip Kirin riêng.
Vào thứ 3 vừa qua (ngày 27/10), Samsung Electronics cũng cho biết đã được chính phủ Mỹ cấp giấy phép cho việc cung cấp màn hình OLED đến Huawei.
Kể từ khi chính quyền ông Trump ban hành lệnh cấm kép nhắm đến mảng chip bán dẫn của Huawei, nhiều nhà phân tích tin rằng các đòn trừng phạt của Mỹ đang có dấu hiệu giảm dần. Sắc lệnh kép sẽ vẫn là mối đe dọa đến mảng viễn thông 5G của Huawei. Tuy nhiên, mảng sản xuất thiết bị cầm tay của công ty Trung Quốc đang được mở ra cơ hội phục hồi.
Các nhà phân tích tin rằng điều này có thể là cứu cánh đối với nhà sản xuất điện thoại lớn nhất Trung Quốc. Mặc dù các lệnh trừng phạt vẫn sẽ đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động kinh doanh 5G của Huawei nhưng ít nhất, mảng điện thoại thông minh quan trọng của công ty có thể có cơ hội phục hồi.
Nhà phân tích tại Jefferies, Edison Lee cho biết: "Chúng tôi tin đây là một dấu hiệu mạnh mẽ về việc Mỹ dự định cho phép Huawei tiếp tục kinh doanh thiết bị cầm tay, vì như chúng tôi đã lập luận, đây không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia rõ ràng đối với Mỹ".
Với báo cáo quý 3/2020 gần đây, Huawei cũng đã cho thấy ảnh hưởng tiêu cực sau khi liên tiếp bị chính quyền Tổng thống Trump trừng phạt. Doanh thu trong quý vừa qua của công ty Trung Quốc đạt 217,3 tỷ nhân dân tệ (31,91 tỷ USD), chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái (209,5 tỷ nhân dân tệ).
Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu Huawei đạt 671,3 tỷ nhân dân tệ (98,57 tỷ USD) và tăng 9,9% - con số thấp hơn khá nhiều so với mức doanh thu của cùng kỳ năm 20219 (610,8 tỷ nhân dân tệ và tăng trưởng 24,4%). Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận ròng của Huawei trong 9 tháng đầu năm là 8%, giảm so với con số 8,7% trong cùng kỳ năm ngoái.
Mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề, chiếm hơn một nửa doanh thu. Các biện pháp siết chặt lệnh cấm của ông Trump không chỉ ngăn chặn nhà sản xuất chip theo hợp đồng, mà còn cấm những nhà cung cấp chip có sẵn như MediaTek của Đài Loan.
Trong năm 2020, hơn 300 công ty đã nộp giấy phép lên Bộ Thương mại Mỹ, khoảng 1/3 trong số đó, điển hình như AMD, Intel được chấp thuận làm ăn trở lại với Huawei. Theo ông Lee, nếu Washington sẵn sàng cho phép mảng điện thoại thông minh của Huawei “tồn tại”, các công ty cung cấp chip khác như Qualcomm hay MediaTek có thể sẽ nhận được giấy phép vào cuối năm 2020.