Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, cho biết Cục đã xây dựng thông tư hướng dẫn đấu giá tần số theo thủ tục rút gọn và trình Quốc hội sửa đổi bổ sung luật Tần số Vô tuyến điện.
Ông Trung nhấn mạnh rằng đây sẽ là cơ sở quan trọng để quy hoạch, cấp phép lại các tần số cho doanh nghiệp, đồng thời cấp phép tần số cho các công nghệ mới. Nhờ vậy, Cục có thể tập trung hoàn thiện việc đấu giá, cấp phép tần số 4G và 5G trong năm 2022.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông cuối năm ngoái, đại diện Cục Viễn thông cho biết Việt Nam sẽ triển khai thương mại 5G trong năm 2022 và đến năm 2025 sẽ phủ sóng 5G đến 25% dân số. Theo số liệu của Cục, mạng 4G đã phủ sóng đến 99,8% cả nước. Trong khi đó, mạng 5G được các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone đang thử nghiệm thương mại tại 16 tỉnh, thành phố.
Việt Nam bắt tay nghiên cứu 6G trong năm 2022
Chia sẻ về định hướng năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Viễn thông thay vì đi theo thì từ nay phải đi đầu. Đi trong nhóm đầu về phát triển 5G và 6G: Phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc, khởi động nghiên cứu 6G, ngay trong năm 2022".
"Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, công nghệ phải hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, quyết sách sáng suốt có tầm nhìn xa, huy động mọi nguồn lực của thị trường, điều hành quyết liệt, và qua thử thách này mà hình thành một thế hệ cán bộ giỏi cho đất nước", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, hai không gian mới quan trọng nhất cho viễn thông là Cloud Computing và Digital Platform. Hai không gian này đều đang có tốc độ tăng trưởng hàng năm 15-20%, trong khi viễn thông chỉ tăng trưởng 1-2%. Đến 2025, quy mô của mỗi thị trường này sẽ tương đương viễn thông.
Bên cạnh đó, viễn thông phải giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài trong năm 2022. Đó là các loại rác viễn thông: SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác. Giải quyết được các loại rác này thì viễn thông mới trở thành hạ tầng cho thanh toán điện tử, cho kinh tế số.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng tuyên bố Việt Nam sẽ là 1 trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có Ban chỉ đạo 6G, khẳng định Việt Nam phải đi cùng top đầu thế giới về công nghệ 6G và tần số sẽ được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép vào năm 2028 (nếu có thể) trước khi thương mại hóa 6G.
Công nghệ 6G là bước tiến tiếp theo của 5G hiện nay. Tại một số quốc gia như Mỹ và Trung Quốc, 6G đang được đầu tư nghiên cứu. Theo lý thuyết, 6G ước đạt tốc độ 1 terabit/giây. Có nghĩa, trung bình mỗi giây, người dùng có thể tải 142 giờ nội dung video ở độ phân giải cao nhất. So với 5G, tốc độ lý thuyết của mạng 6G nhanh gấp 100 lần.
Công nghệ 6G được kỳ vọng là nền tảng cho một kỷ nguyên thông minh, nơi AI và robot trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Dù vậy, đến nay, thế giới vẫn chưa thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật và tần số hỗ trợ 6G. Theo dự đoán của Huawei, mạng 6G có thể được triển khai từ năm 2030. Trong khi đó, hãng viễn thông Ericsson cho rằng các tiêu chuẩn đầu tiên về mạng di động thế hệ thứ sáu sẽ có vào 2027.