Trong công văn gửi Google, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết hiện nay trên YouTube đang tồn tại nhiều kênh và video hướng tới đối tượng người xem là giới trẻ có nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Ví dụ như các kênh, video dành cho trẻ em nhưng có hình ảnh dung tục, phản cảm, nội dung nhảm nhí, cổ xúy việc chơi cờ bạc, thử ma túy, kích động bạo lực…
Cục này cho biết đây là các nội dung để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 8305/VPCP-NC ngày 5/10/2020, trong đó, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành xử lý tình trạng tràn lan các video có nội dung nhảm nhí, giật gân, nhằm mục đích lôi kéo càng nhiều lượt xem càng kiếm được nhiều tiền trên mạng xã hội, trong đó có YouTube.
"Thực trạng này đã được cục nhiều lần cảnh báo và yêu cầu xử lý nhưng vẫn chưa được Công ty Google giải quyết triệt để. Đáng chú ý, cục nhận thấy các kênh YouTube này đều là các kênh cá nhân hoạt động độc lập, không chịu sự quản lý của các công ty quản lý mạng đa kênh của YouTube tại Việt Nam (Multi-channel Network - MCN)", công văn nêu rõ.
Vì vậy, cục đề nghị Google ngừng việc chia sẻ tiền quảng cáo đối với các kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, giật gân. Nếu kênh tiếp tục vi phạm, cục sẽ đề nghị YouTube ngăn chặn, gỡ bỏ.
Ngoài công văn gửi Google, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng có công văn gửi các MCN (Multi-channel Network), với vai trò là mạng đa kênh của YouTube tại Việt Nam tăng cường rà soát, chấn chỉnh các kênh YouTube thuộc mạng lưới quản lý của mình.
Các MCN tăng cường giám sát, bổ sung nhân sự, bộ lọc và công cụ kỹ thuật để chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung vi phạm để kịp thời xử lý. Cục cho biết cũng sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các đối tượng chủ kênh YouTube và các MCN vi phạm.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều ngày 6/11 vừa qua cho biết tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook đã tăng từ 10% lên tới 95%, của Youtube là từ 50% lên 90%. Số lượng gõ bỏ thông tin xấu độc của facebook năm 2020 tăng lên 30 lần so với năm 2017. Số lượng video xấu độc gỡ bỏ trên YouTube năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017. Số trang giả mạo được gỡ bỏ tăng 8 lần so với năm 2017".