Cụ thể, với tính năng này, người dùng Zalo có thể mô tả nhanh tình trạng, kèm số điện thoại và vị trí chính xác của mình đến người thân, bạn bè một cách nhanh chóng, tạo điều kiện cho việc ứng cứu dễ dàng hơn bằng việc tạo thông báo “Tôi cần được giúp đỡ”. Zalo hy vọng việc này sẽ giúp người dân tìm được sự giúp đỡ kịp thời nhất trong lúc bão lũ tại miền Trung đang diễn biến phức tạp.
Ngay phần giao diện của cửa sổ nhắn tin Zalo, tài khoản của người dùng ở vùng thiên tai có khung cửa sổ của tính năng “SOS”. Tại đây, người dân có 2 lựa chọn. Đầu tiên là “Tôi cần giúp đỡ”.
Lựa chọn thứ 2 là “Tôi an toàn”. Chức năng này giúp người dân trong vùng lũ thông báo, cập nhật trạng thái an toàn của mình cho mọi người theo dõi trên Zalo.
Hiện nay, tính năng “SOS” đã được triển khai ở 9 tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 9 là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận; 3 tỉnh chịu tác động của hoàn lưu bão gây mưa như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và 3 tỉnh có nguy cơ sạt lở do mưa lớn là Đắk Lắk, Gia Lai, KonTum.
Theo trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão số 9 ở Việt Nam là cơn bão lớn, mạnh nhất từ đầu năm và có thể là mạnh nhất trong mùa mưa bão năm nay. Bão đang ở cấp 12, giật cấp 15. Đây là cơn bão di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng, khả năng ảnh hưởng đến vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ rất sớm.
Đến đêm mai, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Vì vậy, người dân không được chủ quan, cần hết sức đề phòng và liên tục theo dõi thông tin thời tiết, lũ lụt, sạt lở qua những kênh như Zalo để chủ động ứng phó.