Sáng 14/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022. Dự Hội nghị còn có lãnh đạo các sở ngành, 10 ngân hàng thương mại cổ phần, 9 hiệp hội nghề nghiệp và 60 lãnh đạo đại diện các doanh nghiệp.
Phát biểu mở đầu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực đóng góp to lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 đã cùng khắc phục khó khăn, tham gia phục hồi kinh tế Thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành công trên khía cạnh kinh tế và an sinh xã hội có đóng góp to lớn, quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội và các tập đoàn, công ty lớn đóng trên địa bàn Hà Nội. Doanh nghiệp chính là ''cỗ máy'' của nền kinh tế, tập thể UBND Thành phố chỉ là CPU thực hiện vận hành.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, trong bối cảnh khó khăn chung, cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp hết mình hỗ trợ sự phát triển ổn định của Thành phố. Những tháng cuối năm 2022 và hết quý I/2023 được dự báo cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy, tập thể UBND thành phố Hà Nội đã bàn bạc và quyết định tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại để lắng nghe, chia sẻ, trao đổi, có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hiện nay cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Tập thể lãnh đạo thành phố Hà Nội chia sẻ, luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không đứng ngoài cuộc. Trên cơ sở lắng nghe, thấu hiểu lẫn nhau, trong thẩm quyền, có nội dung gì giải đáp được ngay tại hội nghị thì chúng tôi sẽ chỉ đạo thực hiện. Với những nội dung vượt thẩm quyền, Thành phố sẽ tổng hợp, có báo cáo lên Thủ tướng để Chính phủ, các bộ ngành thấu hiểu, có những giải pháp kịp thời, khả thi hơn…”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
Tại buổi đối thoại, báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Quân nhấn mạnh, kinh tế thành phố đã phục hồi tăng trưởng khoảng 8,89% - đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra.
Thu ngân sách đạt cao, vượt 6,8% dự toán, đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, chi đảm bảo an sinh xã hội.
Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 8.922 (tăng 2,4%); có khoảng 30.000 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 25%); lũy kế số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn đạt 351.000…
Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp đang phải gặp nhiều khó khăn về vốn, lãi suất, thị trường,tình trạng dư thừa lao động... Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội Nguyễn Phúc Long chia sẻ: "Doanh nghiệp hiện đang thực sự khát vốn nhưng hầu như không có nguồn vốn giá rẻ, nhiều doanh nghiệp phải kinh doanh với nguồn vốn lãi suất lên tới 15-16%/năm, thậm chí cao hơn! Trong khi đó, chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công… đều tăng cao và còn đứt gãy, dẫn đến hàng hóa sản phẩm khó tiêu thụ, dòng tiền mất cân đối… Việc cắt giảm chi phí, cắt giảm lao động đang diễn ra. Một doanh nghiệp trong Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã phải cắt giảm tới 80% lao động…".
Hội công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI) mong muốn được Lãnh đạo Thành phố quan tâm cùng doanh nghiệp đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Cụ thể đó là giải quyết nguồn vốn nhanh, tăng tốc độ giải ngân, đẩy nhanh các gói cứu trợ, hỗ trợ phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng đồng thời có các chương trình an sinh xã hội tốt nhằm vận động người lao động cùng doanh nghiệp "đồng tâm góp sức" vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cộng đồng doanh nghiệp cùng chung kiến nghị, Thành phố, các quỹ đầu tư, các tổ chức tín dụng sớm đưa nguồn vốn ưu đãi tới các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, tránh tình trạng "nước chảy chỗ trũng", vốn lại dồn hết về các doanh nghiệp lớn. Thành phố cũng cần có giải pháp để tháo gỡ pháp lý cho các dự án "treo", khơi thông thanh khoản cho các dự án đang dở dang, nhất là các dự án bất động sản, xây dựng…
Luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp
Ngay tại Hội nghị, đại diện các sở, ban và các ngành thuế, hải quan, công thương, kế hoạch và đầu tư… của thành phố Hà Nội đã trực tiếp trả lời, giải đáp các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.
Thông tin cụ thể về thực hiện chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, đến nay đã triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thu đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho trên 119.400 lượt người nộp thuế với tổng số tiền trên 30.400 tỷ đồng. Trong năm, qua hai hội nghị đối thoại trực tuyến với sự tham gia của hơn 196.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Cục đã tiếp nhận và giải đáp kịp thời hơn 500 câu hỏi của doanh nghiệp, người nộp thuế.
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội dự báo kinh tế thế giới năm 2023 có nguy cơ suy thoái, rủi ro về nợ công, an ninh năng lượng, lương thực. Kinh tế trong nước đối mặt nhiều thách thức, biến động.
Do đó, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về triển khai chương trình, giải pháp hỗ trợ, phục hồi kinh tế, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Cục Thuế tập trung kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, phí, đất đai của Quốc hội, Chính phủ, Thành phố. Bên cạnh đó, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, trao đổi thông tin với các hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế;
Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những dự án sử dụng đất, hoạt động đầu tư trên địa bàn Thành phố.
Tiếp tục rà soát để đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của hoạt động quản lý thuế; tiếp tục duy trì và đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ thuế điện tử...
Trong khuôn khổ thời gian hội nghị, các ý kiến vướng mắc, khó khăn chưa được giải đáp đầy đủ, cho nên ngay sau khi kết thúc hội nghị, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ có văn bản giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương trả lời cho các doanh nghiệp ngay trong ngày 15/12/2022, xem xét tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian nhanh nhất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, từ ngày 1/1/2023, thành phố Hà Nội sẽ chính thức thực hiện phân cấp, phân quyền, đưa quyền tự chủ, tự quyết nhiều hơn cho cấp cơ sở, để cải cách hành chính hiệu quả hơn, đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục.
Trong năm 2023, Hà Nội tiếp tục đặt ra loạt giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp thành phố tập trung quyết liệt cải cách hành chính; tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.
Các đơn vị chủ động, quyết liệt xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp theo thẩm quyền nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp...
Lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ luôn chia sẻ, sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trên cơ sở lắng nghe, thấu hiểu lẫn nhau, thành phố sẽ có những giải pháp kịp thời, khả thi hơn, để hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.