Tại hội thảo "Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050" do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính cho tập đoàn này.
Cụ thể, tại tham luận của mình, EVN kiến nghị tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới, theo biến động các thông số đầu vào.
Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, tập đoàn kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tập đoàn này đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho EVN vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện, đảm bảo kịp thời mua nguyên liệu phục vụ phát điện.
Đơn vị này lý giải, nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì từ tháng 7 đến tháng 12/2023, dự kiến EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền. Hiện tại, doanh nghiệp đang nợ tiền của các đơn vị phát điện nhằm đảm bảo dòng tiền thanh toán chi phí mua than, dầu, khí phục vụ sản xuất điện.
Từ ngày 4/5/2023, giá điện bán lẻ bình quân tăng 3%, lên 1.920 đồng/kWh đã giúp EVN tăng doanh thu thêm khoảng 8.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo EVN, mức tăng này vẫn là quá thấp so với mức tăng 9,27% của giá thành sản xuất điện năm 2022. Bên cạnh đó, năm nay, ngành vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ giá đồng USD vẫn đang ở mức cao, khiến các nhà cung cấp than trong nước dự kiến chỉ cấp nguồn than pha trộn có giá bán cao, hạn chế cấp than sản xuất trong nước; nguồn thủy điện có giá thấp nhưng tỷ trọng lại giảm dần do hiện tượng El Nino.
Theo các chuyên gia, đề nghị này được EVN đưa ra trong bối cảnh sản xuất kinh doanh tiếp tục lỗ khiến họ gặp khó khăn về dòng tiền từ tháng 7 đến hết năm.
EVN vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, đã được Deloitte kiểm toán với khoản lỗ hơn 20,7 nghìn tỉ đồng.
Theo báo cáo sau kiểm toán, tổng số lỗ năm 2022 của công ty mẹ EVN là hơn 26,5 nghìn tỉ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất, EVN lỗ 20,7 nghìn tỉ đồng.
Năm 2022, nếu doanh thu hợp nhất của EVN là hơn 463 nghìn tỉ đồng thì doanh thu từ bán điện chiếm hơn 98%: trên 456 nghìn tỉ đồng.
Doanh thu bán điện năm 2022 của công ty mẹ EVN là 372,9 nghìn tỉ đồng. Thế nhưng, giá vốn điện lại lên tới hơn 402,6 nghìn tỉ đồng. Điều này có nghĩa, EVN bán thấp hơn giá vốn tới 29,7 nghìn tỉ đồng. Trong khi đó, năm 2021 giá vốn điện của EVN chỉ là 331,6 nghìn tỉ đồng.
Như vậy, năm 2022, EVN đã phải mua điện với giá cao hơn mức giá bán ra, dẫn đến số lỗ kể trên. Điều này không xảy ra trong năm 2021.
Năm 2023, EVN nhận định sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh do giá nhiên liệu (than, dầu khí) trên thế giới và tỷ giá đồng USD vẫn đang ở mức cao, FED tăng lãi suất làm cho chi phí vay tăng, các nhà cung cấp than trong nước dự kiến chỉ cấp nguồn than pha trộn có giá bán cao, hạn chế cấp than sản xuất trong nước.
Ngoài ra, EVN cho biết đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện để đảm bảo vận hành an toàn, cung ứng điện cho các năm tiếp theo.
Mới đây, Bộ Công Thương đưa ra phương án mới về việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Bộ này đề xuất nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng.
Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Đáng chú ý, thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu được rút ngắn còn 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, trong khi quy định hiện hành là 6 tháng.