Từng mơ ước trở thành một chuyên gia dữ liệu và tạo dấu ấn trong lĩnh vực công nghệ tài chính, Ryan Kim - sinh viên đại học tại Mỹ - đã phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của thị trường lao động hiện đại. Khi đang học năm hai và năm ba, anh chứng kiến gần nửa triệu nhân sự công nghệ mất việc trong làn sóng sa thải ồ ạt từ năm 2022. Giấc mơ của Kim dần trở nên xa vời khi ngay cả cơ hội thực tập cũng ngày càng khan hiếm.
Cuối cùng, Kim quyết định chuyển hướng sang dịch vụ công, nơi anh hy vọng có thể tìm thấy một lối đi mới trong sự nghiệp. Tuy nhiên, ngay khi lễ tốt nghiệp cận kề, anh bất ngờ mất cơ hội thực tập tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) do các chính sách tuyển dụng bị đình trệ. Một lần nữa, Kim lại rơi vào vòng xoáy bất định của thị trường lao động.
Ryan Kim không phải trường hợp cá biệt. Theo dữ liệu từ Handshake, tỷ lệ sinh viên năm cuối tìm việc trong ngành công nghệ năm ngoái đã giảm 19% so với năm 2022. Trong khi đó, số sinh viên chuyển hướng sang các cơ quan chính phủ tăng gần gấp đôi.
Từng là những cái tên đáng mơ ước của Gen Z, Google và Apple dần mất đi sức hút. Giờ đây, FBI, NASA hay các tổ chức nhà nước lại trở thành điểm đến được nhiều sinh viên quan tâm hơn. Nguyên nhân không chỉ đến từ làn sóng sa thải, mà còn từ sự bất ổn trong chính các tập đoàn công nghệ lớn.
Saskia Campbell, Giám đốc điều hành dịch vụ nghề nghiệp tại Đại học George Mason, thừa nhận: “Chúng tôi chưa từng thấy sinh viên hoang mang như vậy. Đây là năm đầu tiên tôi thực sự lo lắng về triển vọng việc làm của họ”.
Gen Z không chỉ bị thị trường lao động thử thách, mà còn bị chính công nghệ loại bỏ. Trước đây, quá trình tuyển dụng dựa nhiều vào đánh giá của con người. Nhưng hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) và thuật toán đang kiểm soát quá trình này.
Jeff Guenther, chuyên gia trị liệu tâm lý trên mạng xã hội, cho biết: “Gen Z không bị con người từ chối, mà là bị công nghệ loại bỏ. Họ đang cạnh tranh với những thuật toán AI, từ tìm việc, ứng tuyển đại học cho đến cả hẹn hò. Có lẽ sự thất vọng nên nhắm vào Apple, Google, Tinder hay Meta”.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm ngoái cũng gọi Gen Z là "thế hệ bất hạnh nhất". Trong khi đó, nghiên cứu từ Foundry10 khẳng định đây là nhóm bị từ chối nhiều nhất trong lịch sử hiện đại.
Dữ liệu từ nền tảng tư vấn nghề nghiệp Intelligent chỉ ra rằng trung bình cứ 6 nhà tuyển dụng thì có 1 người không muốn tuyển nhân viên Gen Z. Hơn 50% cho rằng thế hệ này thiếu kỹ năng giao tiếp, không tiếp thu phản hồi tốt và chưa sẵn sàng cho môi trường làm việc.
Holly Schroth, giảng viên Trường Kinh doanh Haas tại Đại học California, Berkeley, nhận định: “Gen Z thiếu kỹ năng xã giao cơ bản để tương tác với khách hàng và đồng nghiệp. Họ cần được đào tạo bài bản hơn, không chỉ về công việc mà cả cách ứng xử trong môi trường công sở”.
Dù bị AI và thuật toán làm khó, dù thị trường việc làm trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết, Gen Z vẫn là thế hệ có khả năng thích nghi cao. Một số người chọn cách học thêm kỹ năng mới, số khác chuyển hướng sang các ngành ít bị ảnh hưởng hơn bởi sa thải và công nghệ tự động hóa.
Tuy nhiên, nếu không có những thay đổi mạnh mẽ từ chính các công ty công nghệ cũng như cách Gen Z chuẩn bị cho sự nghiệp, cuộc khủng hoảng việc làm này có thể kéo dài, khiến một thế hệ tài năng phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã của thời đại số.