Ngày 3/7, Bộ trưởng Kỹ thuật số Nhật Bản, Taro Kono, vui mừng thông báo: "Chúng tôi đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại đĩa mềm vào ngày 28/6".
Theo ông Kono, Cơ quan Kỹ thuật số Nhật Bản đã thành công trong việc xóa bỏ toàn bộ 1.034 quy định yêu cầu sử dụng đĩa mềm trong chính phủ, ngoại trừ một điều khoản liên quan đến quản lý hệ thống môi trường và tái chế phương tiện giao thông. Đây được xem là một cột mốc quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống hành chính của Nhật Bản.
Cơ quan Kỹ thuật số, được thành lập vào năm 2021, nhằm mục tiêu cải thiện hiệu quả hành chính, đặc biệt sau khi chương trình xét nghiệm và tiêm chủng toàn quốc bị cản trở bởi sự phụ thuộc vào tài liệu giấy và công nghệ lạc hậu. Ông Taro Kono, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, đã điều hành cơ quan này từ năm 2022 và không ngừng kêu gọi loại bỏ máy fax và các công nghệ lỗi thời trong bộ máy chính phủ. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số vẫn gặp nhiều thách thức và chưa đạt được nhiều thành công đáng kể.
Đĩa mềm, ra đời từ những năm 1960, đã bị "khai tử" từ lâu và được thay thế bằng các giải pháp lưu trữ hiện đại hơn. Một thẻ nhớ 32 GB có thể thay thế tới 20.000 đĩa mềm. Dù vậy, nhiều hệ thống chính phủ tại Nhật Bản vẫn trung thành với công nghệ lỗi thời này, do tư tưởng bảo thủ và sự chậm chạp trong việc chuyển đổi sang công nghệ mới.
Không chỉ riêng Nhật Bản, đĩa mềm từng được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống quân sự trước khi bị loại bỏ. Năm 2016, Văn phòng Kế toán Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết Bộ Quốc phòng nước này vẫn sử dụng đĩa mềm trong hệ thống hạt nhân quốc gia. Những chiếc máy tính IBM Series 1, ra đời từ năm 1976, với ổ đĩa mềm 8 inch, vẫn tiếp tục được sử dụng trong hàng chục năm qua.
Với việc loại bỏ hoàn toàn đĩa mềm, Nhật Bản đang tiến thêm một bước trong quá trình hiện đại hóa và chuyển đổi số, khẳng định quyết tâm của nước này trong việc bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu.