Đến ngày 12/10, iPhone 16 vẫn chưa xuất hiện trên hệ thống TKDN của Bộ Công nghiệp Indonesia, đồng nghĩa với việc sản phẩm này chưa được phép bán ra. Theo quy định TKDN, các thiết bị điện tử phải đảm bảo ít nhất 35% tỷ lệ nội địa hóa nếu muốn kinh doanh tại Indonesia. Tuy nhiên, Apple hiện chưa đạt được điều kiện này vì các khoản đầu tư cam kết vẫn chưa hoàn thành.
Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia, ông Agus Gumiwang Kartasasmita, cho biết: “Apple đang trong quá trình xin cấp chứng chỉ TKDN. Dù trước đó hãng đã có giấy phép, nhưng hiện đã hết hạn và cần bổ sung khoản đầu tư để gia hạn.” Theo báo cáo từ truyền thông địa phương, Apple cam kết đầu tư 1,71 nghìn tỷ IDR (110 triệu USD) nhưng mới hoàn thành 1,48 nghìn tỷ IDR, thiếu 15,4 triệu USD để đạt chuẩn.
Agus nhấn mạnh, sau khi Apple đáp ứng các yêu cầu, chính phủ sẽ cấp phép để iPhone 16 được phân phối chính thức: “Chúng tôi muốn đảm bảo sự công bằng cho các nhà đầu tư thực sự có cam kết cao với thị trường Indonesia.” Ông cho rằng số tiền còn thiếu là “không đáng kể” so với lợi nhuận Apple có thể thu về từ thị trường gần 300 triệu dân.
Việc Apple chưa đủ điều kiện bán iPhone 16 đã gây ra làn sóng tranh luận tại Indonesia. Một bộ phận người dùng cho rằng các công ty nước ngoài cần tuân thủ luật pháp địa phương. Tuy nhiên, nhiều người khác phàn nàn rằng quy định quá phức tạp, khiến họ phải mua iPhone từ các thị trường láng giềng, làm lợi cho Singapore và Malaysia.
Một chiếc iPhone 16 tại Singapore có giá khoảng 1.000 USD, nhưng khi mua dưới hình thức “xách tay” về Indonesia, người dùng phải trả thêm 155 USD chi phí vận chuyển và thuế.
Indonesia đang yêu cầu Apple mở rộng đầu tư và thiết lập nhà máy hoặc trung tâm R&D tại nước này để nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 40%, giúp sản phẩm dễ dàng thông quan. Các hãng điện thoại lớn khác như Samsung, Xiaomi, Oppo và Vivo đều đã sản xuất thiết bị tại Indonesia, trong khi Apple vẫn chỉ đầu tư vào các học viện phát triển phần mềm.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia, ông Budi Arie Setiadi, cho biết Apple đã đề nghị được hưởng các ưu đãi tương tự như tại Việt Nam – nơi hãng được giảm thuế khi tạo ra hàng trăm nghìn việc làm. Tuy nhiên, ông Budi từ chối yêu cầu này vì lo ngại sẽ tạo tiền lệ cho các công ty khác đòi hỏi tương tự.
Apple khẳng định đã “đầu tư đáng kể” và sẽ tiếp tục phát triển tại Indonesia. Trong chuyến thăm vào tháng 4, CEO Tim Cook đã khai trương học viện thứ tư tại Bali và cho biết hãng đang cân nhắc thiết lập sản xuất tại đây.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Apple đã hợp tác với hơn 70 nhà máy đối tác, tạo ra hơn 250.000 việc làm và chi 400.000 tỷ đồng (khoảng 17 tỷ USD) cho 150 nhà cung cấp từ năm 2019 đến nay. Dù không có nhà máy trực tiếp tại Việt Nam, Apple cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và đổi mới sáng tạo.
Việc Apple chưa đủ điều kiện đầu tư tại Indonesia không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn làm dấy lên nhiều câu hỏi về chiến lược phát triển của hãng tại Đông Nam Á. Với sức ép từ chính phủ Indonesia và những ưu đãi mà hãng mong muốn, liệu Apple có sẵn sàng thay đổi kế hoạch để đưa iPhone 16 vào thị trường gần 300 triệu dân này?