Theo Bloomberg, ứng dụng Clubhouse cho phép các thành viên tổ chức những buổi trò chuyện trực tuyến, tương tự như đài phát thanh. Đó có thể là một buổi phỏng vấn khách mời hay một cuộc thảo luận giữa nhiều thành viên.
Clubhouse được giới thiệu vào năm 2020, nhưng nó chỉ trở nên phổ biến vào đầu năm 2021 sau khi một số nhân vật nổi tiếng như Mark Zuckerberg và Elon Musk tham gia vào nền tảng này. Clubhouse cho phép người dùng trò chuyện với những người khác qua âm thanh trực tiếp trong các phòng khác nhau. Ứng dụng vẫn đang phát hành độc quyền cho iPhone, đã đạt hơn 8 triệu lượt tải xuống trên App Store vào tháng 2 năm nay. Clubhouse được ví như một mạng xã hội dành cho những người có sức ảnh hưởng lớn.
Hiểu một cách cụ thể, Clubhouse cho phép người dùng tạo và tham gia các “phòng” (room). Tại đây, họ có thể trò chuyện với người khác. Mạng xã hội này không có hình ảnh, video hay thậm chí không sử dụng ký tự - mọi thứ chỉ đơn thuần xoay quanh định dạng âm thanh. Người dùng có thể tham gia hoặc rời “phòng” bất kỳ thời điểm nào hoặc biến các cuộc trò chuyện riêng tư thành trò chuyện công khai. Đây là tất cả những gì bạn cần biết về Clubhouse.
Hiện tại, Clubhouse chủ yếu hoạt động dưới dạng các “phòng” nơi có một người nói và người khác lắng nghe. Người dùng cũng có thể trò chuyện trong “phòng” nếu quản trị viên cảm thấy phù hợp song điều này hiếm khi xảy ra.
Theo báo cáo của Bloomberg, Clubhouse đã đàm phán để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, một trong những công ty đứng ra đàm phán với Clubhouse không ai khác chính là Twitter. Báo cáo nói rằng cả hai công ty đã có các cuộc đàm phán trong những tháng gần đây, hai bên đã thảo luận về mức định giá tiềm năng khoảng 4 tỉ USD cho Clubhouse.
Điều thú vị là không chỉ có Twitter, một loạt những nền tảng tên tuổi khác như LinkedIn, Facebook và Slack cũng đang phát triển những tính năng giống với Clubhouse. Điều đó cho thấy sự hấp dẫn của ứng dụng mạng xã hội này.