Hội nghị thường niên hàng đầu toàn cầu của Huawei trong ngành công nghiệp ICT - Huawei Connect 2023, vừa chính thức khởi động với chủ đề "Tăng tốc Trí thông minh".
Tại buổi khai mạc sự kiện, bà Mạnh Vãn Chu - Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Luân phiên kiêm Giám đốc Tài chính của Huawei đã tiết lộ về chiến lược Trí tuệ Toàn diện (All Intelligence) của công ty. Bà nhấn mạnh: "Huawei không ngừng nỗ lực để khai thác sâu vào nền tảng các công nghệ trí tuệ nhân tạo và xây dựng hệ thống điện toán xương sống vững chắc cho Trung Quốc, cũng là sự lựa chọn khác cho thế giới, nhằm hỗ trợ hàng loạt các ứng dụng và mô hình AI cho toàn ngành".
Suốt hai thập kỷ qua, Huawei không ngừng hợp tác sâu rộng với toàn ngành để đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, khởi đầu với chiến lược “IP Toàn diện” (All IP) hỗ trợ thông tin hóa, tiếp theo là chiến lược “Đám mây Toàn diện” (All Cloud) hỗ trợ cho quá trình số hóa.
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển và tác động liên tục đến nhiều ngành, Huawei đưa ra chiến lược "Trí tuệ toàn diện" (All Intelligence) nhằm giúp tất cả các ngành nắm bắt tối đa mọi cơ hội chiến lược mới từ A.I.
Quyết định của Huawei diễn ra sau một động thái tương tự của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba, được công bố vào đầu tháng này, nhằm ưu tiên AI.
Các công ty khác, chẳng hạn như SoftBank của Nhật Bản, từ lâu cũng đã tuyên bố ý định tập trung nhiều hơn vào công nghệ phát triển nhanh và nhiều doanh nghiệp đã nhảy vào cuộc đua trong năm nay do sự hào hứng với các nền tảng như GPT-4.
Chia sẻ những bước đi tiếp theo trong tương lai, bà Mạnh nói: “Sắp tới, chúng tôi sẽ đi sâu vào các lĩnh vực sản phẩm và công nghệ mà chúng tôi có lợi thế vượt trội, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các khách hàng, các đối tác, các nhà phát triển và các bên liên quan để cung cấp các giải pháp công nghiệp tiên tiến, dễ dàng ứng dụng. Với sự hợp tác chặt chẽ, chúng ta có thể thúc đẩy an ninh kỹ thuật số và độ tin cậy cao hơn, đồng thời tăng tốc trí tuệ cho tất cả các ngành”.
Thời gian gần đây, Huawei trở lại ấn tượng với việc ra mắt mẫu điện thoại mới có khả năng truyền tải dữ liệu siêu tốc với tốc độ tải 500-800 Megabit/giây, cao hơn nhiều so với chỉ 300 Megabit/giây của công nghệ 4G hiện nay.
Thậm chí, sản phẩm mới nhà Huawei còn dùng công nghệ liên lạc vệ tinh, qua đó sử dụng được cả ở những vùng xa xôi mà không cần trạm thu phát sóng.
iPhone đã thống trị thị trường smartphone cao cấp Trung Quốc kể từ khi Huawei bị cấm vận công nghệ, qua đó phải bỏ dở kế hoạch phát triển dòng điện thoại 5G của mình.
Ông vua dòng smartphone Android từng đứng đầu thị phần Trung Quốc giờ đây không còn lọt top 5 trong 2 năm liền.
Thế nhưng giờ đây Huawei đang phản pháo lại mạnh mẽ với dòng Mate 60 Pro dùng công nghệ 5G, được bán hết chỉ sau 1 tiếng mở bán và tạo nên cơn sốt lớn trên mạng xã hội, quá đó làm dấy lên khả năng đòi lại thị phần từ tay Apple.
Thậm chí một số chuyên gia còn đánh giá Mate 60 Pro có khả năng sẽ trở thành "sát thủ iPhone" khi chấm dứt thế thống trị của nhà Apple tại Trung Quốc. Dù phía Huawei không chính thức gọi Mate 60 Pro là sản phẩm dùng công nghệ 5G nhưng những bài kiểm tra cho thấy tốc độ truyền tải của thiết bị này nhanh hơn nhiều so với công nghệ 4G truyền thống.
Ngoài ra, việc dùng công nghệ liên lạc vệ tinh khiến sản phẩm mới này có thể sử dụng được ngay cả khi người dùng nằm ngoài vùng phủ sóng mạng viễn thông truyền thống.
Trong khi Apple cũng thử nghiệm công nghệ này bằng cách cho phép người dùng nhắn tin ngoài vùng phủ sóng thì sản phẩm của Huawei có thể gọi điện bình thường.
Với mức giá thành rẻ hơn, dễ sửa chữa bảo hành nhờ gần nguồn sản xuất và đặc biệt là có nhiều công nghệ tương xứng, Mate 60 Pro của Huawei được đánh giá là hoàn toàn có khả năng thay đổi cục diện cuộc chơi tại thị trường smartphone Trung Quốc.