Chip xử lý trong bộ nhớ hay chip PIM do nhà sản xuất chip Hàn Quốc phát triển có thể vừa lưu trữ vừa xử lý dữ liệu, trong khi chip nhớ thông thường chỉ có thể lưu trữ dữ liệu. Vì chip PIM có thể thực hiện hai tác vụ cùng lúc và cung cấp thêm sức mạnh tính toán, chúng đã nổi lên như những thành phần quan trọng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data).
“Máy tính gắn chip PIM thay vì chip DRAM chung có thể tăng tốc độ tính toán lên đến 16 lần. Ngoài ra, chip PIM giảm lượng dữ liệu CPU và GPU và cho phép máy tính tiêu thụ điện ít hơn 80%”, một quan chức của công ty cho biết.
SK hynix có kế hoạch công bố nỗ lực nghiên cứu và phát triển chip PIM của mình tại Hội nghị Quốc tế về mạch thể rắn (ISSCC), một trong những sự kiện chip toàn cầu lớn được tổ chức tại San Francisco vào cuối tháng này. Năm nay, ISSCC sẽ được tổ chức với chủ đề “Silicon thông minh cho một thế giới bền vững”, một chủ đề hoàn hảo để giới thiệu các chip PIM.
SK hynix đặt mục tiêu nâng cấp hơn nữa các chip PIM với công nghệ AI của Sapeon, một công ty chip AI mới tách khỏi SK Telecom.
“Khi việc sử dụng dữ liệu với mạng nơ-ron nhân tạo tăng đột biến, công nghệ tính toán được tối ưu hóa để tính toán như vậy là cần thiết. Bằng cách hợp nhất công nghệ của hai công ty, hiệu quả sẽ được tối đa hóa về tính toán dữ liệu, chi phí và tiêu thụ năng lượng”, Giám đốc điều hành Sapeon Ryu Soo-jung cho biết.
Trong khi đó, Ahn Hyun, người đứng đầu phát triển giải pháp SK hynix cho biết “Sử dụng chip PIM với khả năng tính toán độc lập, SK hynix sẽ thiết lập một hệ sinh thái giải pháp bộ nhớ mới”.
Một khi chip PIM phát triển, chúng được kỳ vọng sẽ thay thế một phần vai trò của CPU và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tính toán “lấy bộ nhớ làm trung tâm” bên trong các thiết bị như điện thoại thông minh.