Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc sáng 4/5 và dự kiến kéo dài đến 10/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thực hiện Chương trình công tác năm 2022 và Kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, Bộ Chính trị giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy chưa chính thức có chủ trương chung nhưng đến nay đã có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu cho tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác này (Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hoà). Qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư đánh giá, đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cũng đã dự thảo các văn bản liên quan.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến và quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!".