Viết trong bài xã luận đăng trên tờ Wall Street Journal, Tổng thống Biden quy trách nhiệm những rủi ro mà Big Tech gây ra cho người dân Mỹ. Ông cho rằng đã đến lúc Chính phủ Mỹ hành động.
Tổng thống Biden cho biết chính quyền của ông đang tìm cách thúc đẩy luật chống lại Big Tech trên một số phương diện, bao gồm cả việc bảo vệ quyền riêng tư và lệnh cấm quảng cáo nhắm mục tiêu tới người dùng trẻ em.
Ông cho biết một đạo luật có thể cấp cho chính quyền quyền truy cập vào các thuật toán nền tảng cho các mạng xã hội. Các nhà lập pháp cũng nên suy nghĩ lại về một đạo luật hiện hành có tên gọi Mục 230 của Đạo luật chuẩn mực truyền thông, theo đó miễn trừ trách nhiệm của các công ty công nghệ đối với nội dung do người dùng đăng tải lên trang web của họ. Việc cải cách đạo luật lâu đời trên nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng, nhưng lại tồn tại sự bất đồng về cách tiến hành.
Trong bài xã luận, Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh vào sự cạnh tranh công bằng hơn, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cửa hàng truyền thống, các doanh nhân khởi nghiệp có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với các công ty lớn nhất.
Hầu hết các ý kiến chống lại Big Tech tại Mỹ đều đến từ chính quyền tiểu bang và địa phương, hoặc các cơ quan quản lý quốc gia như Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) hoặc Bộ Tư pháp Mỹ.
Với luật chống độc quyền hiện hành của Mỹ, trong đó tập trung chủ yếu vào đánh giá dựa trên ảnh hưởng của các công ty có quy mô lớn đến giá cả cho người tiêu dùng, chiến lược phá vỡ Big Tech khó có tiềm năng thành công.
Việc chính phủ Mỹ thúc đẩy thông qua những đạo luật mới để phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ, toàn diện Big Tech và hoạt động của các nền tảng kỹ thuật số là một thách thức không dễ vượt qua.
Theo một báo cáo vào tháng 12/2022 từ tổ chức phi chính phủ Public Citizen, các công ty Big Tech đã vận động hành lang mạnh mẽ trong những năm gần đây để chống lại bất kỳ hành động nào từ các nhà lập pháp ở Washington, những “gã khổng lồ công nghệ” cùng các đồng minh đã chi 277 triệu USD cho việc vận động hành lang chỉ riêng trong hai năm qua.
Mỹ là quê hương của những “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu như Apple, Google, Amazon và chủ sở hữu Facebook là Meta. Tuy nhiên, quốc gia này lại chậm hơn các chính phủ ở châu Âu và châu Á trong việc đưa ra các quy tắc hiện đại hơn để kiềm chế quyền lực của các công ty đó.
Các công ty Big Tech đã vận động hành lang mạnh mẽ trong những năm gần đây để chống lại bất kỳ hành động nào từ các nhà lập pháp ở Washington.Theo một báo cáo vào tháng 12/2022 từ tổ chức phi chính phủ Public Citizen, những “gã khổng lồ công nghệ” cùng các đồng minh đã chi 277 triệu USD cho việc vận động hành lang chỉ riêng trong hai năm qua.