Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp năm 2022 ngày 11/8, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các con số tăng trưởng ấn tượng trong 7 tháng đầu năm đã phản ánh sự đúng đắn và kịp thời của các chính sách điều hành.
Đến hết năm 2021, trên cả nước có khoảng 854.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước, và tăng gần 12,6% so với năm 2019.
Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới là 89.407 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 7 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130 nghìn doanh nghiệp (133.708 doanh nghiệp, vượt xa số 105.425 doanh nghiệp của cùng kỳ năm ngoái), tăng 26,8% so cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 44.301 doanh nghiệp, tăng 49,7% so cùng kỳ năm 2021; có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 là 3.335.810 tỷ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2021). Đây là kết quả hết sức ấn tượng nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp kịp thời của Chính phủ…
Theo báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, hiện nay, thị trường của doanh nghiệp đặc biệt là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi trên 75% - 85% so với thời điểm trước dịch bệnh Covid-19. Doanh thu trong 2 quý đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch.
Thị trường du lịch và vận tải hàng không nội địa phục hồi tương ứng là gần 100% và 85%, đặc biệt là sự bùng nổ trong quý 2 năm nay. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Vẫn tồn tại những khó khăn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dù hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi nhưng bối cảnh thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức.
Để vực dậy khu vực doanh nghiệp giữa lúc tình hình trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức như sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 và một số dịch bệnh mới, sự hồi phục chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn, lạm phát tăng cao trên toàn cầu, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng bền vững… Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần phải hành động sớm nhất, hiệu quả nhất để có thể chủ động vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ.
“Chúng ta cần phải chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất, dám đối mặt để vượt qua những thách thức lớn nhất; chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới to lớn hơn”, Bộ trưởng khẳng định.
Với quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng; thực hiện nhanh và hiệu quả các giải pháp nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô; và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động tương lai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp trong dài hạn.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia; gây dựng niềm tin cho doanh nghiệp để có định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững.
Thứ hai, tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tham mưu cơ chế, chính sách thiết thực để huy động và sử dụng hiệu quả mạng lưới tri thức người Việt Nam trong và ngoài nước, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc.
Thứ tư, tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.