Mốc quan trọng này cho thấy các công ty và tổ chức châu Á đang ngày một củng cố cho sự hiện diện của họ trên toàn cầu. Theo báo Nikkei, Tổ chức Bản quyền Trí tuệ Thế giới (WPO) công bố một tài liệu trong ngày thứ Ba cho thấy trong năm 2018, ước tính có 253 nghìn bằng sáng chế quốc tế đã được nộp trên toàn cầu, mức tăng 3,9% so với năm 2017. Tính tổng số các bằng sáng chế, châu Á chiếm đến 50,5%.
Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry cho biết châu Á hiện chiếm đa số đơn đăng ký bằng sáng chế quốc tế tại WIPO, đây là một "hòn đá tảng" cho khu vực năng động về kinh tế này. Theo Tổng Giám đốc WIPO, điều này nhấn mạnh sự chuyển hướng địa lý mang tính lịch sử của hoạt động phát minh sáng chế từ phương Tây sang phương Đông.
Hệ thống đăng ký bằng sáng chế quốc tế của WIPO gồm nhiều loại khác nhau. Trong thể loại chính - Hiệp ước hợp tác sáng chế - Mỹ dẫn đầu với 56.142 đơn đăng ký, sau đó là Trung Quốc với 53.345 đơn và Nhật Bản với 49.702 đơn.
Đức và Hàn Quốc đứng thứ 4 và 5 nhưng kém xa về số đơn (20.000 đơn mỗi nước). Ấn Độ có số đơn đăng ký tăng mạnh nhất trong năm ngoái, tăng 27%, từ 1.583 đơn năm 2017 lên 2.013 đơn.
Theo báo cáo thường niên của WIPO, "ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) dẫn đầu về số đơn xin cấp bằng sáng chế, góp phần giúp châu Á chiếm hơn một nửa số đơn mà tổ chức này nhận được vào năm ngoái.
Huawei, đang chịu sức ép do Mỹ yêu cầu các nước đồng minh cấm các nhà cung cấp Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G do những lo ngại về an ninh quốc gia, đã nộp 5.405 đơn xin cấp bằng sáng chế lên cơ quan của Liên hợp quốc trong năm 2018, tăng 4.024 so với năm 2017.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng giám đốc WIPO, Francis Gurry, cho biết số đơn của các công ty, tập đoàn và doanh nghiệp tại châu Á đã nộp chiếm 50,5% tổng số đơn mà tổ chức này nhận được.
Trung Quốc sẽ chiếm vị trí số 1 của Mỹ trong hai năm nữa
Trung Quốc chỉ mới tham gia đăng ký bằng phát minh với WIPO từ năm 1993, nhưng số đơn của nước này đã vượt số đơn của Nhật Bản hồi năm 2017, và tăng 9,1% lên 53.345 đơn hồi năm 2018. Trung Quốc vẫn xếp hạng nhì trên bảng sắp hạng toàn cầu, sau Mỹ vốn có 56.142 đơn (giảm 0,9 % so với năm 2017). Nhưng có dự báo rằng dù các nhà phát minh ở Mỹ nộp nhiều đơn hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Trung Quốc sẽ chiếm hạng nhất của Mỹ trong năm 2019 hoặc 2020.
Sự nổi lên của Trung Quốc ở lĩnh vực bằng phát minh phản ánh việc chính quyền Trung Quốc mạnh tay chi cho công nghệ hiện đại. Một báo cáo của Deloitte mang tựa 5G: Vận hội dẫn đầu suốt một thập niên đã phát hiện: “Từ năm 2015, Trung Quốc chi nhiều tiền hơn Mỹ khoảng 24 tỉ đô-la Mỹ cho cơ sở hạ tầng liên lạc không dây, và xây dựng 350.000 địa điểm, trong khi Mỹ xây chưa tới 30.000 địa điểm”. Báo cáo này còn viết Mỹ chi ít hơn Trung Quốc từ 8 đến 10 tỉ đô-la/năm kể từ năm 2015.