Đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã đặt ra những thách thức, khó khăn chưa từng có đối với nền kinh tế Việt Nam.Việt Nam đứng trước yêu cầu phục hồi nền kinh tế một cách vững chắc trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19. Theo các tổ chức quốc tế, trong bối cảnh này, các chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng trung hạn đã được ban hành kịp thời, giúp mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tới có thể đạt được. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cần được nhận diện rõ để tháo gỡ.
Chính sách hỗ trợ hiện nay vẫn chưa đủ để doanh nghiệp hoạt động trở lại và có sức bật mạnh mẽ góp sức vào hồi phục nền kinh tế. Nghị quyết 124 của Quốc hội Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 nêu rõ nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Song song đó, Nghị quyết Ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị kỹ các điều kiện, sẵn sàng tận dụng cơ hội để phục hồi sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.
Trong một báo cáo mới đây, nhóm chuyên gia của Trường ĐH Kinh tế quốc dân chỉ rõ thực tế, lãi suất cho vay mặc dù đã giảm nhưng còn ở mức cao và cao hơn so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, công cụ dự trữ bắt buộc chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành linh hoạt nên chưa phát huy hiệu quả trong việc tăng khả năng cung ứng tín dụng, giảm chi phí tín dụng và tác động làm giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế.
Còn về chính sách tài khóa, các chuyên gia cho nhận định đa số được thiết kế và thực thi theo hướng "bình quân hóa" giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, dẫn đến lợi ích từ chính sách bị dàn trải… "Các chính sách tài khóa hiện nay tập trung chủ yếu vào miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.Các gói này có tác dụng giảm áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp.Tuy nhiên, khi lực cầu trong nền kinh tế còn yếu và doanh nghiệp còn phải tiêu tốn chi phí không nhỏ để phòng chống dịch thì tác động của các chính sách này tới sự hồi phục của nền kinh tế là hạn chế" - nhóm chuyên gia của Trường ĐH Kinh tế quốc dân phân tích.
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5%-7%, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đủ mạnh và tập trung vào đối tượng trung tâm của nền kinh tế là doanh nghiệp.
Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt.Thời gian qua, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện… Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, phấn đấu đưa cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ 2 chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới; trước mắt, triển khai lộ trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả
dịch bệnh COVID-19”.
Thủ tướng yêu cầu các các bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát các kiến nghị của VCCI, hiệp hội, doanh nghiệp tại Hội nghị để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ” giữa Nhà nước và doanh nghiệp, chú trọng hiệu quả, không phô trương, hình thức, nói đi đôi với làm.
Ưu tiên cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời tháo gỡ trên nguyên tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, mọi chính sách đều phải hướng đến người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền.
Rà soát, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 đi cùng với thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý của Nhà nước chặt chẽ, hiệu quả.