Đồng tiền của Nga được giao dịch trên 96 rúp đổi một đô la Mỹ (USD) vào lúc 7:29 sáng ngày 7/8 qua theo giờ quốc tế. Đây là mức yếu nhất kể từ ngày 28/3 năm ngoái. Đồng tiền này tăng nhẹ so với đồng euro, sau khi giảm xuống mức thấp nhất là 106 vào thứ Sáu (4/8).
Sự suy yếu của đồng rúp được cho là do nhu cầu ngoại tệ trong nước tăng cao có thể liên quan đến kỳ nghỉ hè và sự hỗ trợ thường thấp hơn từ các nhà xuất khẩu vào đầu tháng.
Theo nhà phân tích trưởng Egor Gilnikov của Promsvyazbank, áp lực tăng thêm đối với đồng rúp đã được tạo ra bởi quyết định mới nhất của Bộ Tài chính chuyển từ bán sang mua ngoại tệ kể từ ngày 7/8 trong khuôn khổ quy tắc ngân sách.
Ông Gilnikov lưu ý rằng áp lực chính đối với đồng rúp xảy ra sau một đợt điều chỉnh bất ngờ trong chỉ số Sàn giao dịch Moscow, đồng thời cho biết thêm rằng không thể loại trừ ảnh hưởng của dòng vốn chảy ra khỏi đất nước.
Những người tham gia thị trường cũng cho rằng do các công ty phương Tây rời khỏi Nga khiến nhu cầu ngoại tệ lớn, làm gia tăng sự biến động của thị trường tiền tệ.
Các chuyên gia cho rằng nhu cầu ngoại tệ sẽ giảm bớt, vì các nhà nhập khẩu có thể mất niềm tin vào khả năng bán đồng ruble được giá cao.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết sự suy yếu của đồng rúp chủ yếu là do những thay đổi trong cán cân thương mại của nước này và nhu cầu ngoại tệ mạnh trong kỳ nghỉ lễ.
Kể từ khi bị phương Tây trừng phạt vì chiến sự ở Ukraine, nguồn thu của Nga sụt giảm và dễ bị dao động, khiến ít nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thị trường Nga hơn.
Một thương nhân tại ngân hàng lớn của Nga cho biết, thị trường thiếu thanh khoản. Nhiều người đang chờ đợi đồng rúp mạnh trở lại khi các nhà xuất khẩu bắt đầu chuyển đổi doanh thu ngoại hối để nộp thuế địa phương vào cuối tháng này.
Trong khi đó, nhà phân tích Alexei Antonov của Alor Broker nhận định: “Đồng rúp rất đáng lo ngại, dự kiến có thể hướng tới mức 90 rúp đổi 1 USD. Tuy nhiên, có một chút hi vọng rằng các nhà xuất khẩu sẽ tận dụng tỉ giá hối đoái thuận lợi cho họ và tăng doanh thu bán ngoại tệ”.
Vào ngày 8/6, đồng rúp cho thấy phản ứng hạn chế đối với việc ngân hàng trung ương giữ lãi suất ở mức 7,5%. Tuy nhiên, đây là tín hiệu mạnh nhất cho thấy ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất trong năm nay, khi áp lực lạm phát gia tăng.