Từ tháng 8, Nga có thể thử nghiệm ruble kỹ thuật số, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt sau chiến sự Ukraine.
Dự thảo về tiền kỹ thuật số quốc gia sẽ được trình lên Thượng viện Nga ngày 19/7. Nếu được thông qua tại Thượng viện và được Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành, Ngân hàng Trung ương Nga có thể bắt đầu thử nghiệm đồng ruble kỹ thuật số ngay tháng sau.
Theo kế hoạch, việc thử nghiệm sẽ diễn ra tại 15 nhà băng. Các cá nhân và doanh nghiệp được mở ví điện tử trên nền tảng của ngân hàng trung ương. Giao dịch không mất phí với các cá nhân, trong khi doanh nghiệp phải chịu 0,3%.
Ngày 16/3, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Nga đã thông qua trong lần đầu tiên một dự luật tạo cơ sở cho việc sử dụng đồng ruble kỹ thuật số và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng đồng ruble kỹ thuật số.
Dự luật xác định các khái niệm nền tảng, quy tắc nền tảng, người tham gia nền tảng, người dùng nền tảng đồng ruble kỹ thuật số, tài khoản kỹ thuật số (ví).
Danh sách các chủ thể của hệ thống thanh toán quốc gia được bổ sung một chủ thể mới là nhà điều hành nền tảng đồng ruble kỹ thuật số.
Dự thảo cũng phân biệt giữa các khái niệm “tiền điện tử” và “thanh toán không dùng tiền mặt dưới hình thức chuyển đồng ruble kỹ thuật số," các khái niệm “tiền điện tử” và “đồng ruble kỹ thuật số."
Ngân hàng Trung ương Nga đã tiến hành thử nghiệm đồng ruble kỹ thuật số với một số ngân hàng sau khi Phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột tại Ukraine.
Nga đã phát triển tiền kỹ thuật số trong vài năm trở lại đây để hiện đại hóa hệ thống tài chính, tăng tốc độ thanh toán và đối phó với mối đe dọa từ tiền điện tử như Bitcoin.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hơn nửa số ngân hàng trung ương các nước đang cân nhắc hoặc phát triển tiền kỹ thuật số. Ít nhất 20 nước đang thử nghiệm, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Atlantic Council, dự án của các nước này đã tiếp cận 260 triệu người, thử nghiệm trên nhiều địa điểm, từ phương tiện giao thông công cộng đến thương mại điện tử.
Các tiền số do tư nhân tạo ra, như Bitcoin, tận dụng hệ thống thanh toán phi tập trung, không phụ thuộc vào chính phủ. Trong khi đó, tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành và được điều tiết bởi cơ quan quản lý. Những người ủng hộ chúng cho rằng loại tiền này sẽ giúp nhiều người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng hơn, làm tăng minh bạch trong thanh toán và giảm chi phí giao dịch. Trong khi đó, những người phản đối thì lo ngại vấn đề bảo mật.
Hệ thống ngân hàng Nga đang bị phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt sau chiến sự tại Ukraine. Các nhà băng Nga vì thế tìm cách xoa dịu ảnh hưởng bằng giao dịch tiền tệ với các nước trung lập như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Năm nay, ruble đã mất giá 18% so với đôla Mỹ. Đồng tiền này cũng thuộc nhóm tệ nhất trong các nước mới nổi. Nguồn thu từ năng lượng giảm sút, trong khi nhập khẩu hồi phục khiến thặng dư tài khoản vãng lai của Nga giảm mạnh.
Một số chính trị gia cho rằng ruble kỹ thuật số sẽ giúp Nga dễ dàng thanh toán xuyên biên giới. "Với tình hình hiện tại, điều quan trọng là phải độc lập về công cụ thanh toán và kênh thông tin tài chính trong giao dịch với các đối tác", Nikolay Zhuravlev – phó chủ tịch thượng viện Nga cho biết tại một hội nghị đầu tháng này.
Trong khi đó, Alexandra Prokopenko – cựu cố vấn tại Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra các kỳ vọng này. Vì ban đầu, ruble kỹ thuật số sẽ phải kết nối với hệ thống của các nước khác để giao dịch quốc tế. Ông cho rằng hiện tại, đồng tiền này sẽ hữu ích hơn nếu sử dụng trong nước.