Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã có nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Nhằm thảo luận về những vướng mắc mà doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) gặp phải khi tiếp cận vốn ngân hàng, đồng thời đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ trọng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Tuy vậy, DNNVV chỉ có dư nợ tín dụng ở mức 22-25% nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước. Trong khi đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác cũng rất hạn chế. Mặc dù Việt Nam được xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, để 60% DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn là trách nhiệm thuộc về cả ba bên: thứ nhất là Nhà nước, mà đại diện không chỉ là Ngân hàng Nhà nước mà còn của các bộ ngành liên quan, thứ hai là các tổ chức tín dụng và các thiết chế tài chính, thứ ba các DNNVV. Nhà nước, các tổ chức tín dụng cũng như DN cần phải có sự tương tác hỗ trợ lẫn nhau. Các tổ chức tín dụng cần đổi mới hình thức cho vay, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, áp dụng công nghệ thông tin để tối giản hóa thủ tục cho vay. Bên cạnh đó, DN cũng cần tạo niềm tin cho chính các tổ chức tín dụng. Chủ tịch VCCI nhận định, sự thiếu minh bạch của doanh nghiệp khó, việc thiếu tài sản thế chấp và dự án kinh doanh thiếu khả thi cũng là nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng “nói không” với DNNVV.
Về chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, bên cạnh các nghị định như NĐ 34/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV; hiện nay, khuôn khổ pháp lý trong việc hỗ trợ DNNVV phải kể đến Luật hỗ trợ DNNVV cung cấp kênh tiếp cận vốn đa chiều cho DNNVV đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua (Luật số 04/2017/QH14) và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018 với 3 loại quỹ: Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với DNNVV luôn có sự tăng trưởng đều qua các năm và trong 6 tháng đầu năm 2018, tín dụng đối với DNNVV đã đạt được kết quả nhất định. Có thể nói đầu tư tín dụng đối với DNNVV đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây và cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các DNNVV đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thì hiện nay có trên 270.000 DNNVV đang có dư nợ tại các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, qua tiếp nhận thông tin, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy việc cho vay DNNVV vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc đó là: Xuất phát từ những khó khăn chung của thị trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của các DNNVV, hiệu quả cho vay của các tổ chức tín dụng.
Là hạn chế xuất phát từ chính bản thân DNNVV, như: quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản bảo đảm; DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ.
Chưa có sự triển khai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình hỗ trợ DN của các bộ, ngành, địa phương; một số tổ chức tín dụng còn thiếu kinh nghiệm trong thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mới, còn nặng về tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Đó là việc duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn vốn vay ngân hàng, tạo ra áp lực cho hệ thống tổ chức tín dụng, trong khi tổ chức tín dụng không có đủ thông tin về doanh nghiệp, không kiểm soát được dòng tiền nên dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay các DNNVV. Và chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong trợ giúp DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Trước thực trạng khó khăn trong tiếp cận vốn của các DNNVV, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết: “Trong các hình thức tiếp cận vốn cho DNNVV cần lưu ý cả những hình thức chưa được áp dụng thường xuyên, như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu, cho vay tài chính. Theo đó, cần sớm ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV, đồng thời tăng cường vai trò của các hiệp hội DNNVV và hợp tác giữa các tổ chức tín dụng và các quỹ bảo lãnh tín dụng”.