Trong đơn gửi lên tòa án ngày 8/10, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu tách rời các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Google, bao gồm dịch vụ tìm kiếm, hệ điều hành Android, trình duyệt Chrome và cửa hàng ứng dụng Google Play. Đề xuất này nhằm ngăn chặn Google lợi dụng các nền tảng như Chrome hay Android để ưu ái cho công cụ tìm kiếm và các dịch vụ khác, đặc biệt là các tính năng tìm kiếm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mới.
Phán quyết này đến sau khi một thẩm phán liên bang vào tháng 8 tuyên bố Google vi phạm luật chống độc quyền, mở ra khả năng thay đổi sâu rộng trong cách thức hoạt động của công ty và cách hàng tỷ người sử dụng dịch vụ tìm kiếm trực tuyến.
Google phản bác và cảnh báo hậu quả
Trước đề xuất của Bộ Tư pháp, Alphabet, công ty mẹ của Google, đã phản hồi trên blog rằng kế hoạch của chính phủ là "cực đoan" và có thể "làm xấu đi trải nghiệm người dùng". Họ cũng cảnh báo rằng việc chia tách có thể phá vỡ hệ sinh thái Android và Chrome, gây khó khăn cho việc đổi mới công nghệ AI, và ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng khi thông tin cá nhân bị chia sẻ cho đối thủ cạnh tranh.
Google nhấn mạnh vấn đề chống độc quyền chủ yếu liên quan đến các hợp đồng phân phối dịch vụ tìm kiếm, nhưng cho rằng chính phủ đang mở rộng cuộc điều tra sang nhiều ngành công nghiệp khác, có thể gây ra những hậu quả không mong muốn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tiền lệ lớn trong cuộc chiến chống độc quyền công nghệ
Theo CNN, nếu kế hoạch chia tách Google được thông qua, đây sẽ là quyết định chống độc quyền lớn nhất trong ngành công nghệ kể từ vụ kiện của chính phủ Mỹ đối với Microsoft vào cuối những năm 1990. Kết quả cuối cùng có thể sẽ đặt ra tiền lệ quan trọng cho các tập đoàn công nghệ khác.
Không chỉ riêng Google, nhiều "ông lớn" công nghệ như Amazon, Apple, Meta và Ticketmaster cũng đang đối mặt với các vụ kiện tương tự liên quan đến hành vi chống độc quyền, khiến cuộc chiến pháp lý trong ngành công nghệ đang ngày càng trở nên khốc liệt.