Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), năm 2023 chứng kiến sự đột phá vượt bậc trong lĩnh vực thương mại điện tử, khi quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam 2023 dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.
Các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (76%); thiết bị đồ dùng gia đình (67%); đồ công nghệ và điện tử (61%); sách, hoa, quà tặng (53%); xem phim trực tuyến (35%) và thực phẩm (32%)…
Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, đứng đầu Đông Nam Á và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới.
Hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch.
Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phía Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cũng đánh giá thương mại điện tử Việt Nam hiện nay có nhiều điểm nổi bật, trong đó có số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng mua sắm qua mạng nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên, đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn. Các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số.
Dù vậy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...
Báo cáo đưa ra trước đó của Google, Temasek và Bain & Company cũng nhận định, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023).
Năm qua, Bộ Công thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường xây dựng Chính phủ Điện tử Bộ Công thương; thúc đẩy phát triển kinh tế số và thương mại điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Đã tổ chức nhiều hoạt động về liên kết vùng phát triển thương mại điện tử, triển lãm các công nghệ, giải pháp chuyển đổi số, sản xuất thông minh, ứng dụng thương mại điện tử, kích cầu tiêu dùng trong nước, thu hút người dân tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thương mại điện tử và công nghệ số.
Các hoạt động này giúp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cấp vùng, giúp tăng cường nhận thức của người dân với thương mại điện tử và thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng, giải pháp công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong năm 2023, Bộ Công thương đã ban hành hơn 20 văn bản, cả Nghị quyết của Ban Cán sự tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và phát triển chính phủ số, chuyển từ giai đoạn Chính phủ điện tử sang Chính phủ số.
Tổng số hồ sơ trực tuyến được nộp qua Cổng dịch vụ công gần 1,7 triệu bộ hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ Công thương, theo đó, Bộ đã số hóa và gửi đến Cổng Dịch vụ công quốc gia gần 98% tổng số hồ sơ được thực hiện tại Bộ.
Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng, Bộ Công thương thừa nhận, đã và đang bộc lộ rõ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là những tác động xấu tới môi trường.
Bộ này mong muốn hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tối ưu hóa các phương thức vận chuyển, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa, giảm khí phát thải.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số cho hay, mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số chiếm từ 20-25%, mức tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử đạt 20-25%, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận hệ sinh thái số đạt 50%, 70% doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng chuyển đổi số.