Đầu năm ngoái, Huawei công bố kế hoạch đầu tư 10-20 tỷ USD hàng năm cho nghiên cứu và phát triển công nghệ mới (R&D). Và tới cuối năm 2017, Huawei tiết lộ, họ đã chi khoảng 13,23 tỷ USD cho R&D, chiếm 14,9% tổng doanh thu. Cũng trong năm 2017, đối thủ hàng đầu của Huawei trong khu vực Châu Á là Samsung đã bạo chi tới hơn 15,53 tỷ USD cho R&D, vượt mặt cả đối thủ sừng sỏ là Apple gấp 1,5 lần và Huawei là 1,1 lần. Amazon và Alphabet hiện là hai công ty Mỹ có chi tiêu hàng năm cho R&D lớn nhất. Trong năm 2017, cả hai công ty đã chi lần lượt khoảng 22,6 tỷ USD và 16,6 tỷ USD cho R&D.
Vì muốn vượt mặt các ông “trùm” công nghệ trên thế giới, Huawei lên kế hoạch tăng mức đầu tư cho R&D lên 15-20 tỷ USD/năm. Có lẽ Huawei sẽ cần phải lấy cột mốc của các đối thủ để đặt ra mục tiêu tham vọng hơn nữa nếu muốn phát triển mạnh hơn. Huawei khẳng định khoảng 20-30% số tiền chi cho R&D sẽ dành cho nghiên cứu khoa học cơ bản, cao hơn dự kiến trước đó là 10%.
Các quốc gia như Mỹ, Úc và Anh đang rốt ráo bài trừ công nghệ mạng của Huawei vì lý do an ninh quốc gia. Tuần trước, một báo cáo của chính phủ Anh tiết lộ các vấn đề kỹ thuật và rủi ro bảo mật trên hệ thống thiết bị mạng của Huawei tại Anh. Nhưng chính điều này lại khiến Huawei đầu tư mạnh hơn cho R&D nhằm tìm hướng giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.
Huawei cho biết cuối tuần trước họ dự định tuân thủ tiêu chuẩn (FRAND) cho tài sản trí tuệ 5G của mình để tạo thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ mới, dự kiến sẽ được sử dụng rộng rãi vào năm 2020. Các công ty Trung Quốc trong đó có Huawei đang nổi lên như những “người dẫn đầu”. Hiện các công ty này đang chiếm tới 10% số bằng sáng chế liên quan đến mạng 5G.