Theo bà Margrethe Vestager - Uỷ viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU cho biết: “Google đã sử dụng hệ điều hành Android nhằm củng cố vị thế thống trị của hãng này trên thị trường các công cụ tìm kiếm. Điều này đã ngăn cản các đối thủ của Google trong cuộc chiến thị phần với công ty này”. Bà đã nêu ra 3 vi phạm cạnh tranh của Google dẫn đến mức phạt, cụ thể: Google đã yêu cầu nhà sản xuất cài sẵn công cụ tìm kiếm Google Search và trình duyệt Chrome để có quyền truy cập vào kho ứng dụng Play Store. Việc cài sẵn ứng dụng này mang đến lợi thế lớn cho Google vì người dùng có xu hướng sử dụng những gì có sẵn thay vì tải về ứng dụng thay thế từ đối thủ.
Vi phạm thứ 2 mà Google phải gánh chịu chính là đã trả tiền cho một số nhà sản xuất (chưa rõ ai) và nhà mạng di động để chỉ cài đặt Google Search là công cụ tìm kiếm trên thiết bị. Google đã thực hiện việc này từ năm 2011, nhưng hạn chế bớt khi bị Ủy ban “dòm ngó” vào năm 2013. Vi phạm cuối cùng chính là Google đã buộc nhà sản xuất phải cam kết không phát triển hoặc bán bất cứ thiết bị nào chạy một phiên bản Android tùy biến (forked Android) không được Google cấp phép.
Từ những vi phạm này, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố mức phạt kỷ lục 4,3 tỷ Euro (khoảng 5 tỷ USD) với Google do lạm dụng thế độc quyền trên nền tảng Android nhằm triệt hạ đối thủ. Theo các quan chức EU, việc làm của Google làm giảm khả năng tiếp cận của người dùng tới các công cụ tìm kiếm và trình duyệt khác. Do vậy, điều này vi phạm vào quy định chống độc quyền.
Số tiền phạt chiếm khoảng 40% lợi nhuận ròng của Google tính đến hết 2017, tức khoảng 12,62 tỷ USD và Google được gia hạn 4 tháng để trả tiền phạt. Cùng với án phạt, công ty con của Alphabet được yêu cầu chấm dứt hành vi đi ngược lại Luật chống độc quyền của mình trong vòng 90 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc Google không được tiếp tục ép buộc nhà sản xuất phải cài đặt trình duyệt Chrome làm trình duyệt mặc định, đặt Google Search làm công cụ tìm kiếm mặc định và chào giá hấp dẫn với những nhà sản xuất sẵn sàng cài sẵn Search vào thiết bị của mình.
Số tiền 5 tỷ USD mà Google phải nộp cho EU cao hơn nhiều lần so với bất kỳ án phạt nào được đưa ra bởi chính phủ Mỹ, Trung Quốc hay các cơ quan chống độc quyền khác. Google có khoảng 90 ngày để kháng cáo trước khi hình phạt nói trên chính thức được áp dụng.
Google đã trở thành công ty quảng cáo trực tuyến hàng đầu thế giới nhờ vai trò trung tâm trên tất cả các thiết bị chạy hệ điều hành Android. Theo công ty nghiên cứu eMarketer, Google sẽ chiếm khoảng 1/3 thị phần quảng cáo trực tuyến toàn cầu trong năm nay. Trước án phạt có phần nghiêm khắc của EU, giá cổ phiếu Google đã giảm 0.5% sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày thứ 4 tại thị trường chứng khoán New York.