Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước thành viên sáng lập gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3/2018 tại Chile.
Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được 6 nước phê chuẩn. Sau Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Canada, Australia là quốc gia thứ 6 đã phê chuẩn CPTPP vào ngày 30/10 vừa qua. Như vậy, Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12.
Hiệp định này tạo nên một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, có phạm vi thị trường gồm 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực. Hiệp định này cũng từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Chính phủ Nhật Bản coi hiệp định thương mại này là bước quan trọng nhằm mở rộng các quy định tự do và công bằng ra khắp thế giới. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ tích cực tăng cường số thành viên CPTPP. Theo đại diện Bộ Công Thương, cơ hội lớn nhất từ CPTPP với Việt Nam không phải là việc mở rộng thị trường mà là cải cách thể chế. Việt Nam sẽ hướng tới việc sửa 7 luật và hàng chục Nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.
Việc cải cách thể chế sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện, đầu tư nước ngoài và trong nước được duy trì và tăng trưởng, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu để tận dụng thị trường CPTPP, giúp nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của hàng Việt; mặt khác, thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.
Theo tính toán, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Đặc biệt, việc các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu trong nội khối CPTPP không phải chịu các khoản thuế sẽ giúp dịch chuyển chuỗi cung ứng và doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tham gia. Về xuất khẩu, lợi ích cũng sẽ có, trước hết từ các thị trường chưa có FTA như Canada, Mexico, Peru, thậm chí cả thị trường Nhật Bản.
Việc CPTPP được đàm phán thành công sau khi Mỹ rút khỏi TPP có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì kết nối đầu tư và tự do thương mại hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng. 16 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cố gắng hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trước khi kết thúc năm 2019. Trong số các nước tham gia hiệp định này có Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.