Theo báo cáo của VCCI, sau 2 năm triển khai CPTPP tại Việt Nam, kim ngạch thương mại hàng hóa song phương Canada-Việt Nam đạt mức kỷ lục 8,9 tỷ USD năm 2020, tăng 12% so với năm trước và 37% sau hai năm Hiệp định đi vào hiệu lực bất chấp tác động đại dịch COVID-19.
Việc tổ chức tuyên truyền giúp đỡ các doanh nghiệp 2 nước hiểu rõ lợi thế của Hiệp định CPTPP trở nên rất quan trọng. Với lý do ấy, cuộc hội thảo sáng nay này 23/3 do Đại sứ quán Canada tại Hà Nội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức một hội thảo để thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định và phát triển quan hệ thương mại song phương giữa Canada và Việt Nam.
Sự kiện đã được bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam và Ts.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khai mạc, trong khi các chuyên gia về CPTPP từ Canada và Việt Nam đã đánh giá lại các kết quả về mặt thương mại sau hai năm triển khai Hiệp định, làm nổi bật các cơ hội và lợi ích của CPTPP, và thảo luận về những cách thức để tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại song phương giữa Canada và Việt Nam.
Canada - Con đường cao tốc chủ đạo cho xuất khẩu Việt Nam theo Hiệp định CPTPP.
Trả lời truyền thông, Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: “Có thể nói Hiệp định CPTPP là cứu cánh của thương mại Việt Nam. Canada là điểm đến thành công nhất kể từ khi tham gia. Trong điều kiện khó khăn của đại dịch Covid 19, kim ngạch XNK của chúng ta vẫn tăng tới 30% cho thấy tiềm năng trong quan hệ hợp tác kinh tế với Canada là rất lớn”.
“Chúng ta đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đang trong quá trình hướng tới xuất khẩu dựa trên công nghệ cao hơn. Và Canada là đối tác lớn để chúng ta thu hút đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ...”
“Về xuất khẩu, nhiều lĩnh vực chúng ta đã khai thác tốt trong thời gian qua, đó cũng là tiềm năng trong thời gian tới, chúng ta đã xẩy mạnh xuất khẩu sang Canada các mặt hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm điện tử, đồ gỗ... đó là những mặt hàng có thế mạnh rất lớn của Việt Nam”, Ông Lộc nói.
Chỉ có vài % doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được CPTPP, nguyên nhân vì sao?
Chủ tịch VCCI giải thích: “Tuy dư địa còn nhiều, nhưng thực tế là tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam và Canada tìm hiểu về CPTPP để đưa vào kế hoạch kinh doanh chưa nhiều. Thậm chí ở Canada chỉ có 7% doanh nghiệp có thể hiểu chi tiết về Hiệp định này. Ở nước ta, tỷ lệ % doanh nghiệp nắm bắt được CPTPP có phần cao hơn nhưng cũng chưa khai thác hết”.
“Các doanh nghiệp cần hiểu thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp cận được các đối tác và lĩnh vực tiềm năng. VCCI trong chương trình hành động của mình cũng sẽ hỗ trợ chi tiết đến từng doanh nghiệp của các Hiệp hội ngành nghề, giúp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước theo Hiệp định CPTPP”, ông Lộc nói.
Trả lời phỏng vấn, Bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam cũng nhắc đến cuốn sách mà ban tổ chức mang đến Hội thảo - ‘Cẩm nang về CPTPP’- do VCCI biên soạn với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Canada, là tài liệu cung cấp các thông tin chính về những kết quả và lợi ích quan trọng của Hiệp định và đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp các doanh nghiệp tận dụng Hiệp định để mở rộng thương mại và đầu tư.
“Việc cắt giảm thuế quan giữa 2 nước theo CPTPP sẽ giúp cho các sản phẩm có giả cả phải chăng hơn. Các chuyên gia Canada có thể đến Việt Nam giúp cho môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch. Hai nền thương mại Việt Nam và Canada có tính bổ sung cho nhau.” Bà Deborah Paul nói.
“Chúng tôi luôn cố gắng liên kết để đạt được mục tiêu phát triển của Canada và tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại giữa 2 nước. Chia sẻ 3 sáng kiến cho Việt Nam đó là: Cơ chế hỗ trợ chuyên gia về thương mại, phát triển; năng lực phát triển thương mại và đầu tư; và cuối cùng là Phát triển thực phẩm sạch, giúp cho sản phẩn nông nghiệp Việt Nam ngày đạt tiêu chuẩn cao và tiếp cận được thị trường thế giới”, bà đại sứ Canada nói.
Doanh nghiệp bày tỏ quan điểm khi tham gia vào Hiệp định CPTPP với Canada, những thuận lợi và khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Mai Quyên, Giám đốc một doanh nghiệp XK gốm sứ vào thị trường Canada cho biết: Tham gia vào CPTPP xuất khẩu đồ gốm sứ sang Canada, doanh nghiệp bà hy vọng sản phẩm sẽ phục vụ được nhu cầu của người Việt sống bên nước bạn đồng thời giới thiệu sản phẩm của Việt Nam đến với người dân Canada.
“Doanh nghiệp chúng tôi cần nghiên cứu rất nhiều nhu cầu thị trường Canada để có thể tiến xa hơn về xuất khẩu”, Bà Mai Quyên nói: “Chúng tôi cũng gặp những khó khăn khi xuất khẩu sang Canada, đó là sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và khoảng cách địa lý xa. Ba yếu tố đó tác động rất lớn đến giá thành sản phẩm và sự tiếp cận của doanh nghiệp Việt. Giá cả tăng lên khá nhiều có thể tăng gấp 20 lần. Bên này 1 đồng thì bên kia lên đến 20 đồng”.
Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khối Asean. Theo đánh giá của Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thì việc hợp tác với nước bạn giúp các doanh nghiệp Việt tiến bước vào ‘con đường cao tốc’ cho xuất khẩu hàng hóa.
“Tôi tin rằng trong thời gian tới, tiếp theo đà tăng trưởng cao trong 2 năm rất khó khăn vừa rồi, Việt Nam có thể trở thành cửa ngõ cho các doanh nghiệp Canada tiếp cận thị trường Asean và các nước châu Á khác. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể thông qua Canada tiếp cận thị trường Bắc Mỹ và các thị trường khác mà Canada có quan hệ thương mại tự do. CPTPP là cách thức tăng thêm các giá trị trao đổi thương mại cũng như dòng chảy đầu tư của Canada vào Việt Nam. Đó là một con đường cao tốc lớn mà các doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu để hiểu rõ và áp dụng vào hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của mình.” Ông Lộc nói.