Đến tham dự cuộc họp là sự chủ trì của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI và đại diện của các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành nghề...
Theo công văn số 531, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất chưa nên tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2021. Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí bị phá sản, giải thể; nhiều người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, nếu điều chỉnh tăng lương sẽ khiến cả hai bên gặp khó khăn.
Tinh thần của công văn trên có lẽ đã giúp cho doanh nghiệp ‘dễ thở’ hơn và dành được nhiều ý kiến đồng tình. Bởi nhẽ, sau khi phải ‘vật lộn” với muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid 1-9, doanh nghiệp vẫn chưa kịp phục hồi.
Bà Huyền – đại diện Canon Việt Nam phát biểu: “Nếu thực hiện việc tăng lương tối thiểu năm 2021 sẽ tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp vì chưa kịp phục hồi và khó khăn vẫn còn nhiều như: sự thiếu hụt linh kiện, giãn cách xã hội, chi phí dịch vụ tăng cao, đặc biệt là giá thuê Container trở nên rất đắt đỏ hồi đầu năm nay.
Chi phí về container đang được chú ý bởi tốc độ tăng chóng mặt. Nguyên nhân là do sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc gần đây càng đẩy tình trạng thiếu hụt container chở hàng lên cao. Thậm chí, giới phân tích còn dự báo, tình trạng tắc nghẽn có thể trở nên tồi tệ hơn khi các nhà xuất khẩu tìm cách đặt trước các lô hàng.
Trước đó, thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp về việc tăng giá vận tải hàng hóa container bằng đường biển trong thời gian qua do Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đồng chủ trì tổ chức trong bối cảnh hơn 3 tháng nay giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container/40 feet nay đã đội giá lên tới 8.000-10.000 USD/container/40 feet. Cước container tăng 2-3 lần đang làm hao hụt 20-30% lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo các doanh nghiệp, đây là mức tăng bất hợp lý và các hãng tàu cần có sự minh bạch thông tin về giá, cũng như mức tăng sao cho phù hợp hơn.
Đề xuất tăng lương dựa vào việc “xuất khẩu tăng” sẽ là sai lầm!
Đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2021 của các nhà hoạch định chính sách thường dựa vào sự thống kê vĩ mô, những con số với vẻ khả quan bề ngoài như “Xuất khẩu tăng”. Nhưng thực chất điều đó chưa phản ánh được việc quan trọng nhất là “doanh nghiệp thực sự làm ăn có lãi hay không?”.
“Nếu chỉ nhìn vào con số ‘xuất khẩu tăng” mà nghĩ doanh nghiệp “làm ăn có lãi” thì hoàn toàn sai lầm,” bà Huyền phân tích. “Xuất khẩu tăng có thể do nhập khẩu giảm, cộng thêm số lượng doanh nghiệp xuất khẩu nhiều hơn chứ không phải doanh nghiệp cũ tăng trưởng.”
Đại diện Hiệp hội da giầy Việt Nam cũng cho biết tình hình sản xuất kinh doanh sụt giảm năm vừa qua: Năm 2020 dưới tác động của Covid – 19, các doanh nghiệp giảm tăng trưởng xuống bằng mức của năm 2018. Hy vọng năm nay, sự tăng trưởng trở lại mốc năm 2019. Nhưng nếu phải trả thêm chi phí mức lương tối thiểu thì rất khó thực hiện mục tiêu”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) phát biểu: “Ngoài việc các đơn hàng xuất khẩu bị hoãn, hủy lên đến 70%, doanh nghiệp chúng tôi phải chịu thêm các chi phí ngày càng cao, có danh sách cụ thể là những chi phí gì chứ không phải con số ‘vĩ mô chung chung’. Hiệp hội chúng tôi đề xuất ý kiến không tăng lương tối thiểu trong năm nay”.
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng cảm ơn các chuyên gia kinh tế và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến, Ông Phòng nói: “Chúng ta đã và đang vượt qua khó khăn. Từ đầu năm đến nay, tình hình đại dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp, nếu đẩy chi phí lên cao thì khó khăn sẽ chồng chất khó khăn”. VCCI sẽ tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành nghề một các chính xác và khách quan nhất để đưa ra các đề nghị “giữ nguyên mức lương như cũ, đã được chính phủ thông qua, không tăng lương trong năm 2021 và thời điểm tăng lương các năm sau sẽ chọn ngày 1 tháng 1”.