Tại buổi Tọa đàm, bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Luật PPP số 64/2020/QH14 được Quốc hội Việt Nam ban hành ngày 18/6/2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm tiến hành soạn thảo 2 nghị định là Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PPP (nghị định chung) và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) (nghị định về lựa chọn NĐT).
Hiện nay, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư gồm Dự thảo Nghị định hướng dẫn chung gồm 7 chương và 46 điều; Dự thảo Nghị định hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP gồm 9 chương và 89 điều.
Góp ý cho dự thảo nghị định về lựa chọn NĐT, các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo nghị định này cũng còn một số vấn đề mà cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét thêm.
Theo ông Trần Chủng – Chủ tịch VARSI, trong số các nhóm vấn đề được Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn Luật PPP thì lĩnh vực và quy mô tổng mức đầu tư các dự án PPP; việc thành lập hội đồng thẩm định dự án PPP; chấm dứt hợp đồng dự án PPP; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; quy trình dự án PPP; cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư cam kết sử dụng nhà thầu, hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước... đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
“Đây là những vấn đề rất cần được cụ thể hóa, hướng dẫn sớm để Luật PPP đảm bảo tính khả thi khi có hiệu lực vào đầu năm nay”, đại diện VARSI nêu quan điểm.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị định chung, ông Phan Vinh Quang – Giám đốc quốc gia Dự án Nghiên cứu, đánh giá và phân tích USAID (LEAP III) - cho rằng, dự thảo vẫn còn có một số hạn chế nhất định.
Cụ thể, đối với quy định về thăm dò thị trường, tại Điều 23 dự thảo nghị định chung quy định, báo cáo nghiên cứu khả thi không yêu cầu phải thăm dò thị trường. Tuy nhiên theo ông Quang, thăm dò thị trường là rất quan trọng để xác định xem các NĐT tư nhân có quan tâm đến dự án hay không và dự án PPP có khả năng thành công hay không. Nếu không thăm dò thị trường, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể sẽ dành nhiều sự quan tâm cho các dự án không thật sự hấp dẫn thị trường, do đó không thể chọn được NĐT có năng lực. Mặt khác, những kết quả đầu ra xuất phát từ thị trường sẽ giúp thúc đẩy khả năng thương mại và khả năng được ngân hàng bảo lãnh của dự án, do đó, đây phải là một phần của quá trình chuẩn bị dự án.
Hay như vấn đề về gian lận doanh thu, theo dự thảo nghị định chung, hành vi gian lận doanh thu được xác định là xuất hiện hành vi gian lận doanh thu thu được từ người sử dụng trong các hợp đồng áp dụng cơ chế thu phí từ người sử dụng hoặc gian lận khối lượng sản phẩm, dịch vụ công cung cấp trong các hợp đồng áp dụng cơ chế nhà nước thanh toán nhằm thu lợi bất chính. Tuy nhiên ông Quang cho rằng, việc xác định hành vi gian lận doanh thu chỉ nên áp dụng cho các dự án áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu. Đối với các trường hợp khác, doanh thu thuộc về doanh nghiệp dự án nên việc điều tra doanh thu thực tế là không hợp lý.
Hay như vấn đề về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, tại Điều 30 dự thảo nghị định chung quy định, việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn được thực hiện khi một trong các bên tham gia hợp đồng PPP có văn bản đề nghị thỏa thuận chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước thời hạn. Góp ý cho quy định này, ông Quang cho rằng, quy định như vậy có thể gây nhầm lẫn rằng thỏa thuận sẽ được thực hiện sau khi có thông báo chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, từ một trong hai bên tham gia hợp đồng PPP. “Do đó, quy trình và cách thức tính toán bồi thường trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nên được quy định trong hợp đồng PPP và được ban hành trong giai đoạn đấu thầu” – chuyên gia USAID đề xuất.
Ý kiến của Luật sư Nguyễn Tiến Lập bàn về vấn đề chấm dứt hợp đồng, ông Lập cho rằng “không hề đơn giản”, “các doanh nghiệp PPP, các nhà đầu tư ban đầu không sợ bị chấm dứt hợp đồng vì họ đã thu hồi cả vốn lẫn lời rồi, các doanh nghiệp quản lý vận hành thì họ chỉ như người làm công ăn lương. Bên lo sợ nhất là các ngân hàng, mà ngân hàng lấy nguồn vốn từ tiền gửi của người dân và của doanh nghiệp. Ngân hàng thì không thể phá sản được. Nếu việc chấm dứt dự án xảy ra thì “nhà nước sẽ phải ôm hết”. Nếu ngân hàng phá sản thì ảnh hưởng đến người dân. Lúc đó sẽ dẫn đến những vấn đề về an ninh xã hội và chính trị. Bởi nhẽ đây là các dự án đã được nhà nước thẩm định chắn chắn quá rồi, việc chấm dứt hợp đồng nếu không cẩn thận chính nhà nước sẽ chịu thiệt hại lớn”.
Là đơn vị tham gia nhiều dự án BOT, ông Đặng Xuân Chinh, Trưởng Ban Pháp chế, Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả cho biết, qua thực tiễn khi thực hiện dự án BOT giao thông từ giai đoạn tham gia lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án, khai thác, vận hành đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách chưa được quy định đồng bộ hoặc chưa được hướng dẫn một cách chi tiết.
Theo Tập đoàn Đèo Cả, đối với việc xác định hành vi “chậm trễ” của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cần phải quy định cụ thể thời gian chậm trễ tại dự thảo Nghị định hoặc được quy định cụ thể trong hợp đồng dự án và xem xét nhà đầu tư có thể đẩy nhanh thi công để bù đắp bằng tiền độ được hay không.
“Cần quy định rõ thời gian bao lâu kể từ ngày đến hạn, thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hay chỉ cần quá ngày quy định mốc thời gian trong hợp đồng là được coi là chậm trễ và cơ quan ký kết hợp đồng có quyền chấm dứt hợp đồng?
Trường hợp chậm trễ này phải được các bên xác định là do nguyên nhân chủ quan của Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thì mới là căn cứ để xác định đó là vi phạm của Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án”, ông Chinh nêu quan điểm.
Từ góc độ nhà tư vấn luật, Luật sư Lê Nết, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đánh giá cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của dự thảo và mong mỏi Nghị định khi ban hành sẽ được nhiều nhà đầu tư hưởng ứng.
Đi vào cụ thể vấn đề, Luật sư Lê Nết cho rằng, dự thảo Nghị định cần bổ sung doanh nghiệp dự án có nghĩa vụ xin mọi giấy phép và chấp thuận cần thiết để thực hiện dự án, trừ khi hợp đồng quy định rõ cơ quan ký kết hợp đồng xin giấy phép cụ thể, để tránh việc cơ quan ký kết hợp đồng bị kiện do chậm xin giấy phép và chấp thuận cho doanh nghiệp dự án, vốn dĩ phụ thuộc vào sự đầy đủ của hồ sơ mà doanh nghiệp dự án chuẩn bị.
“Ngoài ra, để tránh cơ quan ký kết họp đồng bị kiện do chậm bàn giao mặt bằng hay mặt bằng vướng tiện ích, dự thảo cần quy định doanh nghiệp dự án có nghĩa vụ nhận đất đai, tài sản từ cơ quan ký kết hợp đồng để thực hiện dự án theo đúng thực trạng sẵn có và phải chịu trách nhiệm dọn dẹp mặt bằng để thi công theo tiến độ được duyệt”, Luật sư Lê Nết chia sẻ.
Luật thì đã có. Việc quy định các thủ tục tiếp theo sẽ còn cần tranh luận nhiều để đạt được sự cụ thể, rõ ràng và khả thi. Nhưng quan trọng nhất là việc các thủ tục không được tạo ra những trở ngại hành chính cho cả cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các nhà đầu tư.