Chính những giấy phép con mang tính thắt chặt như vậy đã gặp phải sự phản đối của dư luận, của các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành, của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp vận tải ngay trong buổi hội thảo "Lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông Đường bộ" do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn ra vào sáng hôm qua 2/6 ở văn phòng của VCCI, 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.
Cụ thể: Điều 109 quy định để lái xe kinh doanh vận tải, bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe thì người lái xe phải có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải.
Đầu tiên khi đọc điều luật này, VCCI lên tiếng lphản đối ngay và cho rằng đây là một loại giấy phép mới phát sinh không cần thiết bởi sẽ làm tăng thủ tục xin - cho, nguy cơ trùng lặp về nội dung đào tạo giấy phép lái xe.
“Việc yêu cầu người lái xe đã có giấy phép lái xe phải có thêm chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe và DN khi phải trải qua 2 lần đào tạo, 2 lần cấp giấy phép”, VCCI cho biết.
Tại hội thảo, Bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – CIEM) cũng đề nghị: Bỏ khoản 4 Điều 118: “Người điều hành hoạt động vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải ô tô phải có chứng chỉ hành nghề điều hành vận tải.”
Trước sự có mặt tham dự của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Ông Lê Đình Thọ; Chủ tịch VCCI – ông Vũ Tiến Lộc và các cán bộ, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, khách mời của ngành giao thông… Bà Minh Thảo nhắc lại chuyện cũ cho biết: “Việc phát sinh ra giấy phép con thế này chẳng khác gì cái chứng chỉ ngành in trước đây!”.
Chuyện chứng chỉ của các doanh nghiệp in mà bà Thảo vừa kể chúng ta đã biết nhiều qua phương tiện truyền thông đưa tin. Những năm trước, các doanh nghiệp ngành in kêu khổ bởi hao tiền, tốn của, thời gian và công sức do cái “giấy phép con” lộng hành trong ngành xuất bản dưới sự cho phép của ông Chu Văn Hoà Cục trưởng cũ của Cục Xuất bản giai đoạn 2012- 2019 đã gây bức xúc trong dư luận và doanh nghiệp in. Ấy vậy mà nay, những người làm luật của Bộ Giao thông vận tải lại không biết bỏ tối theo sáng, thấy gương xấu mà không biết tránh, vẫn tiếp tục đệ trình lên những loại “giấy phép con” khác nhau cho thành luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải. Chẳng nhẽ một người tốt nghiệp Đại học hay Thạc sỹ ngành Giao thông vận tải muốn làm kinh doanh trên lĩnh vực đúng chuyên môn vẫn cần phải học thêm một cái chứng chỉ ngành vận tải hay sao? 4 năm học đại học, 2 năm học thạc sỹ chưa đủ à?!
Bà Minh Thảo cán bộ của CIEM chỉ rõ: “Việc tăng quy định từ “có trình độ chuyên môn về vận tải” thành “có chứng chỉ hành nghề điều hành vận tải” là một hình thức áp đặt giấy phép con, tạo thêm gánh nặng thủ tục không cần thiết đối với DN. Quy định này buộc người điều hành hoạt động vận tải phải trải qua các khóa đào tạo và cấp chứng chỉ, dẫn tới việc thực hiện quy định chỉ là hình thức, đối phó cho đủ điều kiện. Đồng thời, quy định này cũng không giúp mục tiêu quản lý Nhà nước về an toàn vận tải trở nên hiệu quả hơn, bởi người điều hành vận tải không trực tiếp tham gia vào hoạt động lưu thông trên đường. Các quy định hiện tại trong Dự thảo về bằng lái xe, chất lượng phương tiện, sức khỏe tài xế… đã đủ để kiểm soát mục tiêu này”.
Đồng thuận với quan điểm nên giữ nguyên các bước đào tạo lái xe như hiện nay, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói:
“Nếu quy định như dự thảo thì điều kiện kinh doanh sẽ càng ngặt nghèo hơn, việc tuyển dụng lái xe ở các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ càng khó khăn hơn, vận tải công cộng sẽ khó phát triển hơn”.
Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ quan điểm: “Luật Giao thông Đường bộ mới cần tạo hành lang pháp lý điều chỉnh vận tải, thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ và kinh tế đất nước, hội nhập giao thông trong khu vực. Trong đó, nhiều vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như việc phân loại các loại hình, điều kiện kinh doanh vận tải, cấp phép điều hành giao thông thông minh, quản lý điều hành cao tốc. Luật Giao thông Đường bộ mới phải mở đường cho hướng phát triển đó”.
Các chuyên gia và DN vận tải đánh giá, việc xác định điều kiện kinh doanh của Dự thảo Luật lần này không xuất phát trực tiếp từ yêu cầu bảo đảm lợi ích của xã hội và hành khách. Quan điểm của các nhà quản lý khi xây dựng dự thảo đạo luật này còn quá cứng nhắc và dựa nhiều vào các mô hình quản lý cũ, chưa có tư duy đổi mới để phù hợp với tình hình công nghệ phát triển theo xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Lần này làm Dự thảo Luật, Bộ Giao Thông được các chuyên gia khen ngợi là Bộ đầu tiên chủ động hỏi ý kiến và nhanh chóng sửa đổi rất nhiều cho phù hợp. Ấy vậy mà còn có nhiều điều cũ kỹ lạc hậu vẫn tồn tại. Cứ phép ấy mà chiếu theo cách sửa đổi luật của các bộ khác trước đây, có hỏi ý kiến cũng chỉ mang tính hình thức thì xem ra Luật Việt Nam còn phải cải thiện rất nhiều trong thời gian tới.