Đây là những vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp tới môi trường đầu tư kinh doanh, theo đó phản ánh những vướng mắc, bất cập trong các quy định về điều kiện gia nhập thị trường và khung khổ pháp lý cho kinh tế số.
Khai mạc hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương và đạt tốc độ tăng trưởng cao; trong đó, một phần quan trọng là do sự điều hành tỉnh táo, có hiệu quả của Chính phủ; nhất là việc cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách, cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh phù hợp, hiệu quả; vượt qua khó khăn trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19...
Năm 2020, đã có 17 luật, 158 nghị định, 39 quyết định cùng 310 thông tư được các cấp có thẩm quyền ban hành. So với các năm trước, số luật, nghị định và quyết định không biến động nhiều nhưng số thông tư giảm mạnh.
Thực tế cho thấy, chất lượng xây dựng thể chế và chất lượng các quy định pháp luật nói chung đã và đang dần được nâng lên một bước, với nội dung thiết thực và dễ thực thi hơn cho dù không cần ban hành thêm nhiều thông tư ở cấp bộ.
Tuy nhiên, chưa kể việc gia nhập thị trường còn nhiều khúc mắc trong công tác ban hành Luật và chưa đảm bảo tính tiên phong trong phát triển kinh tế số. Ví dụ như giấy phép con trong kinh doanh vào vận tải, kiểm tra vào quyền định giá của doanh nghiệp.
“Xã hội hoá dịch vụ công triển khai tương đối chậm, có một số lĩnh vực có chủ trương mở ra nhưng chưa có con đường để thực hiện, do đó thời gian tới cần có chính sách vì nguồn lực và trí tuệ trong dân là vô tận mà Nhà nước không tốn chi phí cho lĩnh vực này mà quan trọng ở nhà nước là thể chế”, ông Lộc nhận định. Ngoài ra, không chỉ những văn bản đã ban hành trong năm 2020 mà những quy định ban hành trước đó vẫn có nhiều bất cập, gây chồng chéo trong kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số.
Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra chưa được minh định rõ trong luật. Cụ thể, pháp luật Việt Nam đã có Luật Thanh tra, quy định về hoạt động thanh tra doanh nghiệp.
Việc thanh tra phải có kế hoạch hàng năm, trường hợp thanh tra định kỳ phải có quyết định thanh tra và gửi trước cho doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép giải trình đối với dự thảo kết luận thanh tra và kết luận cuối cùng phải được cung cấp cho doanh nghiệp. Luật cũng có quy định các khoảng thời gian cụ thể cho từng bước của một cuộc thanh tra. Tuy nhiên, đối với hoạt động kiểm tra thì hiện nay không có các quy định như vậy. Trong khi đó, có sự trùng lặp giữa việc thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp về nội dung và hệ quả pháp lý của hai hoạt động này.
Hiện, Việt Nam xếp thứ 49 về hệ sinh thái khởi nghiệp của thế giới. Năm 2020 cũng ghi nhận việc bãi bỏ 7 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tỷ lệ tiếp thu và phản hồi ý kiến của doanh nghiệp là 55%, cao hơn 10% so với năm trước.
Mặc dù chất lượng cải cách, xây dựng văn bản pháp luật để hoàn thiện khung khổ pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp đã đạt kết quả khá tích cực nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, đó là tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng, gây cách hiểu khác nhau trong các quy định pháp luật; có tình trạng nhiều quy định pháp luật được ban hành rất bất hợp lý và ẩn chứa nhiều vướng mắc gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Qua rà soát chúng tôi nhận thấy khung khổ pháp lý cho kinh tế số tại Việt Nam còn nhiều vấn đề, chưa đảm bảo tính tiên phong. Trong báo cáo của VCCI chúng tôi dành hẳn một chương để thảo luận về vấn đề này. Đây là lĩnh vực quan trọng, đầy tiềm năng song phản ứng chính sách của Việt Nam về vấn đề còn chậm và còn cần nhiều nỗ lực để cải thiện” - TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.