Sáng 22-12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo “Hành trình chuyển đổi vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam”.
Đánh giá về tình hình dịch vụ công ở nước ta hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI nêu rõ: “Trên thực tế dù đã có những chuyển biến tích cực, xã hội hóa các dịch vụ công vẫn rất chậm so với tiến trình đổi mới nền kinh tế, đang gặp nhiều cản trở và hạn chế. Có ngành, có nơi đã thu hút rất tốt khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, nhưng cũng có nơi thực hiện việc này rất chậm”.
Báo cáo cho biết tại Việt Nam, có 20 ngành, lĩnh vực không cho phép tư nhân tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ (quy định tại Nghị định 94/2017/NĐ-CP).
20 ngành, lĩnh vực này gồm: sản xuất/mua bán vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất vàng miếng, phát hành xổ số kiến thiết, in đúc tiền, phát hành tem bưu chính Việt Nam, truyền tải và điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành thuỷ điện đa mục tiêu, vận hành hệ thống đèn biển và luồng hàng hải công cộng, vận hành hệ thống đài thông tin duyên hải, dịch vụ không lưu, khai thác hệ thống hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư, cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng, xuất bản…
Theo VCCI thông kê, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đánh giá chất lượng trang thiết bị của các đơn vị cung cấp dịch vụ nhà nước là thấp nhất. Thái độ phục vụ của nhân viên trong các đơn vị này cũng kém tích cực hơn so với đơn vị tư nhân trong nước và đơn vị nước ngoài”.
Ở Việt Nam, nhiều dịch vụ công còn có chất lượng chưa cao nhưng tư nhân vẫn chưa được tham gia thực hiện. Có thể thấy điều đó qua bài phát biểu của Ông Phạm Văn Học – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam – và những số liệu thống kê và đóng góp ý kiến cho Công tác giám định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT):
“Hiện nay trên cả nước mới có gần 3.500 giám định viên. Mỗi năm có 176,468 triệu lượt người KCB BHYT (số liệu 2019). Như vậy một GĐV sẽ phải GĐ 50.419 hồ sơ/1 năm. Số lượng “khổng lồ” cho một người làm sẽ cho thấy khó đảm bảo được chất lượng của dịch vụ giám định”, Ông Học nói. “Mặt khác, chất lượng đội ngũ giám định viên cơ bản là chưa cao, thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong công tác khám chữa bệnh nhưng lại có quyền giám sát, phán xét hàng triệu hồ sơ bệnh án do hàng trăm bác sỹ đủ các đẳng cấp trình độ khác nhau; Thiếu công cụ giám định vì hiện nay chưa có một công cụ “ thước đo” chính thức nào để áp dụng chung”.
Bày tỏ tại hội thảo, Ông Học cũng hy vọng tên gọi “hành trình chuyển đổi” cũng là “hành trình đảm bảo công bằng” cho tư nhân khi tham gia dịch vụ công đồng thời đưa ra các giải pháp kiến nghị:
“Theo tôi nên áp dụng xã hội hóa cho công tác giám định KCB BHYT như ở một số nước Nhật, Hàn Quốc có ba chủ thể tham gia vào công tác này, gồm BV – Quỹ BHYT và cơ quan GĐ Độc lập”.
Nguyễn Tiến Lập – Luật sư thành viên cao cấp – Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự lại có cái nhìn toàn cảnh về thể chế kinh tế nước ta: “Kinh tế thị trường thì chúng ta đã có rồi nhưng thể chế, chính sách thì tụt hậu, luôn chạy theo sau. Nếu chúng ta không làm rõ được nội hàm khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ thì chúng ta sẽ còn lúng túng nhiều năm nữa! Cần làm rõ mỗi quan hệ, vai trò giữa nhà nước và thị trường. Đơn cử như việc sử dụng thuật ngữ “xã hội hóa” mà hiện nay nhiều quan chức cấp cao hay sử dụng là không có nội dung gì, chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài. Có lẽ, họ e sợ dùng từ mà đáng nhẽ phải sử dụng là “tư nhân hóa”.
Ngoài việc nhận định khái niệm chung, luật sư Lập góp ý cho 4 mô hình quản lý dịch vụ công hiện nay đang tồn tại trên thế giới:
- Nhà nước độc quyền quản lý về dịch vụ công, cho phép tư nhân tham gia một cách hạn chế. Nhà nước có quyền cấp và rút giấy phép khi thấy cần thiết.
- Nhà nước và tư nhân bình đẳng cạnh tranh: Việt Nam đã triển khai ở một số lĩnh vực như giáo dục, y tế. Mô hình này sau đó đã nảy sinh xung đột về lợi ích, khó có thể bình đẳng được.
- Nhà nước không tham gia mà để hoàn toàn cho tư nhân thực hiện: Mô hình này ở có thể thấy ở các nước có nền kinh tế tự do như Mỹ nhưng họ có nền tảng và truyền thống kinh tế khác chúng ta.
- Nhà nước hỗ trợ cho tư nhân thực hiện: Nhà nước chỉ làm khi tư nhân không đủ khả năng làm hoặc đáp ứng được các tiêu chuẩn (dù đã hỗ trợ). “Tôi ủng hộ quan điểm này”, ông Lập nhấn mạnh. “điều này phù hợp với thuật ngữ ‘nhà nước kiến tạo’ mà thủ tướng chính phủ đã nói đến”.
Kết thúc hội thảo, Ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI khẳng định hành trình chuyển đổi cho tư nhân tham gia tuy còn khó khăn nhưng rất tiềm năng: “Sự chuyển giao thực hiện dịch vụ công sang cho tư nhân hay còn gọi là xã hội hóa còn có rất nhiều ‘dư địa’ cho mở rộng và phát triển. VCCI muốn những nghiên cứu của hội thảo lần đầu này trở thành bản nghiên cứu có tính tổng quát, đầy đủ nhất và trở thành công việc thường xuyên hàng năm hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách”.
Trong bối cảnh kinh tế đất nước ta hiện nay, khắp các tỉnh, địa phương chuẩn bị nhà xưởng, giao thông... để đón các nhà đầu tư nước ngoài – thời điểm “dọn ổ cho đại bàng” nhưng điều quan trọng hơn chính là phải tạo ra một ‘hệ sinh thái kinh doanh’ thông thoáng, hiệu quả mà trong đó dịch vụ công đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thế nhưng hiện nay vẫn còn nhưng trở ngại, những nút thắt nhất trong việc chuyển giao từ cơ quan nhà nước ra thị trường còn ít tiến bộ hơn so với các lĩnh vực khác như cải cách chế độ chủ quản, cải cách thủ tục hành chính... Bởi nhẽ, dịch vụ công liên quan đến việc thu chi nên các bộ ngành còn muốn giữ lại để có nguồn thu cho cơ quan họ. Nhưng tôi tin rằng dịch vụ công sẽ phát triển mạnh bởi lĩnh vực này rất rộng lớn và các dịch vụ do tư nhân cung cấp sẽ giảm tải được rất nhiều áp lực cho cơ quan nhà nước trong việc thực thi công vụ.