Theo VCCI, trong hội thảo công bố “Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019” ngày 26/12/2019 nêu rõ, hiện nay những rủi ro từ chính sách mang đến cho doanh nghiệp đang lớn dần lên và ngang bằng với rủi ro thị trường. Đó là sự chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật kinh doanh. Đồng thời, Hội thảo là nơi tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp và các hiệp hội để gửi gắm nhiều thông điệp tới các nhà hoạch định chính sách cũng như đánh giá phản hồi của cơ quan soạn thảo.
Những mâu thuẫn và chồng chéo trong hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam không phải bây giờ mới có, vấn đề này đã được các chuyên gia kinh tế phát hiện từ rất lâu. Nhưng có điều, thời đầu tiên mới phát hiện và tổ chức cải cách được rất nhiều nơi ủng hộ. Nhưng sau này, sự cải cách càng lúc càng thụt lùi, bởi những nguyên nhân rất cơ bản liên quan đến quyền và lợi ích.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu tại Hội thảo cho biết: “Từ 2003 – 2009 chúng tôi đã phát hiện ra sự chồng chéo mâu thuẫn trong hệ thống luật đất đai, đầu tư. Tôi và VCCI đã đi khảo sát và tư vấn cải cách ở các địa phương. Thời đó, các địa phương rất hăng hái làm cải cách để thu hút đầu tư cho sự phát triển. Nhưng sau này, sự chồng chéo ngày càng tăng lên mà tinh thần cải cách lại giảm xuống. Tính sáng tạo cải cách ở địa phương ít đi. Vậy nguyên nhân vì sao? chúng tôi đã nghiên cứu và đưa đến kết luận rằng nếu để từng Bộ soạn thảo các văn bản pháp luật sửa đổi như hiện nay không giải quyết được vấn đề. Bởi vì mỗi Bộ chỉ nhìn nhận sự việc theo một cách của họ về cái gọi là ‘quản lý nhà nước’”.
“Lĩnh vực đất đai, đầu tư, môi trường rất phức tạp vì trong đó ẩn chứa ‘quyền’ và ‘lợi’ rất lớn. Nên những cải cách về thủ tục ở lĩnh vực này luôn nảy sinh nhiều cản trở”, Ông Nguyễn Đình Cung nói thêm.
Hiện nay ở Việt Nam, các cơ quan quản lý hành chính vẫn can thiệp thái quá vào hệ thống văn bản pháp luật kinh doanh. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI nói: “để giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, Nhà nước vẫn sử dụng giải pháp hành chính thay vì thị trường như việc cho vay tiêu dùng, kinh doanh xăng dầu, vận tải thủy nội địa hay ví điện tử... Vẫn còn nhiều thủ tục hành chính không đạt chuẩn và việc kiểm soát giấy phép con, điều kiện kinh doanh mới vẫn còn nhiều bất cập...”.
Chẳng hạn Luất Xuất bản năm 2012 được đánh giá là có nhiều điểm mới tích cực. Nhưng những quy định tại Điều 27 Nghị định 60/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động in xác định các loại thiết bị in phải được cấp phép nhập khẩu mà không có quy định nào về tiêu chí cấp phép đối với các loại máy móc này.
Đây không chỉ là sự thiếu minh bạch (dựa vào điều kiện nào để cấp phép) mà còn cho thấy dường như bản thân cơ quan Nhà nước không làm rõ được mình muốn kiểm soát gì thông qua giấy phép này. Bởi theo VCCI nếu là kiểm soát các máy móc thiết bị in để nhận biết các thông tin về các loại máy móc này, thì các thông tin này hoàn toàn có thể thu thập tại cơ quan hải quan mà không cần phải cấp phép.
Những rào cản ở ngành Xuất bản như vừa nói được diễn ra ở thời điểm ông Cục trưởng cũ của Cục Xuất bản, Chu Văn Hòa, đang đương nhiệm. Ông này vừa là người góp phần tạo ra những điểm tích cực trong Luật xuất bản 2012 vừa là người để cho những giấy phép con, những điều kiện phụ còn tồn tại gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đó cũng chính là vấn đề tồn tại từ rất lâu mà Ts Nguyễn Đình Cung đã nói gọi là “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”: Luật cởi mở trước nhưng ngay sau đó nghị định và thông tư lại buộc chặt.
Để minh họa thêm cho điều này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật Basico phát biểu: “Ngày nay, chúng ta có đủ các loại văn bản quy định pháp luật để hội nhập và phát triển kinh tế mà dường như kết quả lại kém đi. Năm nay, số lượng văn bản luật cần sửa đổi giảm đi so với 2018 nhưng cái sự bất hợp lý lại gia tăng. Càng ban hành và sửa đổi các văn bản dưới luật thì sự mâu thuẫn chồng chéo càng tăng lên và tôi dự đoán sự việc này sẽ càng phình to đến cực đại trong thời gian tới”.
“Một câu hỏi đặt ra là sau khi Luật được thông qua, tại sao lại để thời gian có hiệu lực lâu dài như vậy? Như Bộ luật Lao động đã được thông mà trước đó sửa đi, sửa lại chán chê rồi nhưng đến tận năm 2021 mới có hiệu lực. Mất cả một năm trời để làm gì? Có phải để “ủ mưu” cho các Nghị định và Thông tư ‘bịa đặt’ ra đủ thứ gây khó khăn. Như vậy, luật chả còn là luật nữa rồi”, luật sư Đức bày tỏ.
Về quan niệm ban hành văn bản pháp luật ở các Cục, Vụ hiện nay rất có vấn đề. Luật sư Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại của công ty ví điện tử Momo đề đã phải thốt lên rằng: “Thật lạ lùng là trong các báo cáo của Bộ, Ban, Ngành thường cho nêu thành tích công việc trong năm họ đạt được là đã ban hành hoặc sửa đổi số lượng bao nhiêu văn bản pháp luật, để làm tiêu chí xét duyệt khen thưởng, đó đâu phải là thành tích”.
Đề xuất các phương án thay đổi từ gốc rễ.
Như vậy, có thể thấy, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm 2019 lại phục thuộc vào các bộ. Rõ ràng, vẫn còn nhiều không gian để làm việc này. Ý tưởng của các chuyên gia luật, kinh tế, các nhà nghiên cứu là vậy, nhưng việc cải cách chắc chắn sẽ còn rất lâu và chịu nhiều khó khăn.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định hành trình phải tiếp tục đơn giản hóa bãi bỏ điều kiện kinh doanh vẫn cần tiếp tục dù vô cùng gian nan và nhiều rào cản.
“Chúng ta mong rằng dòng sông thể chế sẽ là dòng sông hiền hòa, chở đầy nước ngọt phù sa. Tôi cũng mong rằng chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng dòng sông này góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội”, Chủ tịch VCCI nói. “dòng sông thể chế phải thực hiện được nhiệm vụ cuốn phăng mọi rào cản”.
Những rào cản ấy đa phần là Thông tư của các Bộ. Có Bộ giao việc cho chuyên viên thực hiện viết thông tư chỉ vừa mới ra trường, thiếu nhiều kinh nghiệm. Cả hội đồng viết thông tư có khi chỉ khoảng 10 người mà viết quy định ban hành cho khoảng 100 triệu dân Việt Nam thì tránh sao cho khỏi tình trạng thông tư ban hành lung tung rồi sửa đổi bất cứ lúc nào tùy ý. Chuyên gia luật, Đoàn Tử Tích Phước đã nói lên như vậy.
Theo một nguồn tin quen thuộc về ngành Xuất bản của Viethet24h.vn cung cấp (xin được không tiết lộ nguồn tin), Phân công công việc như thế chẳng khác nào giao cho những người trình độ tiếng Anh yếu kém làm nhiệm vụ xét duyệt nội dung các sách tiếng Anh nhập khẩu như ở Cục quản lý Xuất bản trong nhiều năm nay. Như vậy, khó có thể đảm bảo tốt chất lượng công việc và tránh sao khỏi việc để lọt lưới những sách có nội dung xấu, thậm chí những sách phản động từ nước ngoài, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và nhà nước ta, đồng thời những sách tốt cũng chịu “vạ lây” khi bị tốn nhiều thời gian, chi phí, công sức của doanh nghiệp nhập khẩu phải chờ xét duyệt bởi những chuyên viên, quản lý phòng trình độ tiếng Anh rất hạn chế.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung mạnh mẽ đề xuất giải pháp:
“Tôi đưa ra giải pháp cần hạn chế quyền của các Bộ trong việc ban hành Thông tư. Bởi các Thông tư đa phần là gây rắc rối cho doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế của đất nước, ông Nguyễn Đình Cung phát biểu. “Chúng ta đã có những quy định về ngăn cản ban hành Nghị định thì cần có những công cụ để cấm ban hành thông tư. Không thể trong một năm các Bộ ban hàng mấy trăm Thông tư rồi sửa đổi bất cứ lúc nào. Đó là điều không thể chấp nhận được. Trong bối cảnh pháp luật cần sự minh bạch. Các Thông tư đã gây cho doanh nghiệp mất thêm nhiều chi phí và rủi ro phát sinh từ các quy định này. Ở bối cảnh hội nhập kinh tế như nước ta hiện nay, những rủi ro do thể chế là điều hết sức phải tránh”.
Đồng thuận với ý kiến trên và có phần quyết luật hơn, Luật Sư Trương Thanh Đức phát biểu: “Để bảo vệ quyền tự do kinh doanh, cần cho phép người dân và doanh nghiệp có quyền khởi kiện yêu cầu hủy bỏ luật, hủy bỏ nghị định, hủy bỏ thông tư khi có sự thi hành trái luật. Nhưng chúng ta chưa có quyền ấy”, Ông Đức nói. “Nếu có nó sẽ có tác động tích cực mạnh ngay vì liên quan đến trách nhiệm bồi thường của các Bộ, Ngành. Hệ thống thông tư ở Việt Nam đa phần là ‘vẽ rắn thêm chân’, gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp như ‘đi lạc trong rừng rậm Amazon’. Thực tế cho thấy không cần thiết phải có thông tư, bởi chúng đang làm cho nền kinh tế tụt hậu. Tốt nhất là cấm ban hành Thông tư”.
Luật sư Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại của công ty ví điện tử Momo đề xuất giải pháp:
Kiến nghị giải pháp cần thay đổi tư duy lập quy, đa dạng hóa nguồn lập quy, trao cho lực lượng khác thay cho các cơ quan hành chính. VD như Luật về Công nghệ thông tin do Ủy ban Khoa học Công nghệ của Quốc Hội soạn thảo năm 2006 có những điều rất tiến bộ. Rất tiếc, những điều đó đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Trong đó quy định ‘Giá trị của thông điệp dữ liệu có giá trị ngang với văn bản’. Nhưng đến nay các Bộ Ngành vẫn loay hoay chưa được vào thực tế do quy định này không phải do một cơ quan quản lý ban hành nên không có cam kết trong việc thực thi.
“Ở các Bộ đều có Viện Chiến lược nhưng tôi chưa thấy việc ban hành Nghị Định thông tư nào lại được giao cho các Viện đó chủ trì cả”. ông Phước nói. “Cần giao trách nhiệm giải quyết các xung đột văn bản pháp luật cho một cơ quan chuyên trách, coi đó như một nhiệm vụ thường xuyên với sự giám sát liên tục để đảm bảo hệ thống pháp luật của chúng ta ngày một tốt hơn”.
Sau cùng, Ông Nguyễn Đình Cung, nêu kiến nghị thành lập một Tổ đặc biệt, chỉ được bao gồm chuyên gia và doanh nghiệp, không có cơ quan nhà nước, dưới sự chỉ đạo của một người ít nhất là có chức vụ từ Phó Thủ tướng trở lên. Như vậy sẽ cho ra được những văn bản luật có cách nhìn độc lập theo chiều ngang. Nếu không làm được như vậy thì sự chồng chéo mâu thuẫn giữa các văn bản luật vẫn liên tục diễn ra thường xuyên, sẽ trở thành vấn đề ‘biết rồi, khổ lắm, nói mãi !’. Nếu nội dung các văn bản luật chồng chéo sẽ dẫn đến thẩm quyền chồng chéo và thủ tục chồng chéo.