Sáng 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020.
Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005, tính đến nay đã được 16 năm. Trong nhiều năm qua, PCI đã trở thành tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. PCI đã trở thành công cụ hữu ích để điều hành kinh tế ở cấp tỉnh và thành phố.
Theo ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI, 16 năm trước ở nước ta, khu vực kinh tế tư nhân chưa được coi là một động lực quan trọng. Lắng nghe tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân chưa trở thành thói quen của các cấp chính quyền, chưa có công cụ làm thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp vào tiến trình cải cách và chất lượng điều hành kinh tế.
“Thời đó, PCI là một chuyện lạ và nhiều người phản đối”, ông Vũ Tiến Lộc phát biểu: “Có địa phương đã không chấp nhận kết quả PCI. Nhưng sau này, cùng với Chính phủ và giới truyền thông đã chung tay lan tỏa các thông điệp của PCI, tạo sự tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến và các địa phương đã tìm được ở PCI những bài học hữu ích”.
PCI là cuộc khảo sát về cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất chỉ sau Tổng cục Thống kê. Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.
TS. Vũ Tiến Lộc, cho biết: “PCI là một chỉ số của hành động. PCI thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh thành phố nhằm cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đó là việc xây dựng và thực thi chính sách dựa trên bằng chứng từ kết quả do PCI cung cấp. Đó là sự tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những mô hình tốt cấp cơ sở. Thực tế, PCI đã cổ vũ và lan tỏa nhiều thực tiễn tốt tại Việt Nam trong thời gian qua.”
“PCI là công cụ để đo chất lượng điều hành, sự vận hành của bộ máy chính quyền các cấp”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu: “chính các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương sẽ quyết định tỉnh thành phố đó xếp hạng cao hay thấp”.
Điều tra PCI 2020 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam có xu hướng cải thiện theo thời gian. Những chuyển động tích cực được ghi nhận bao gồm chi phí không chính thức tiếp tục đà giảm, an ninh trật tự được giữ vững, chính quyền cấp tỉnh năng động, tiên phong hơn, cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch của môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp, tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, cải cách hành chính có những bước tiến song cần đẩy mạnh ở một số lĩnh vực. Qua điều tra có đến 12% doanh nghiệp phải mất hơn 1 tháng để hoàn tất các thủ tục hành chính khác nhau. Nhiều tỉnh thiếu cải cách mang tính tổng thể về thủ tục hành chính.
“Điều đáng buồn ở Việt Nam là những doanh nghiệp càng to, thành lập càng lâu thì tần suất bị thanh kiểm tra, gặp phiền nhiễu càng nhiều hơn”, ông Đậu Anh Tuấn nói: “Theo Chỉ đạo số 20 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 quy định nếu không có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì không được thanh tra kiểm tra quá 2 lần trong 1 năm. Nhưng có những doanh nghiệp phải đón tiếp 5 cuộc thanh kiểm tra và tỷ lệ này vẫn còn cao”.
Ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ phát biểu: “Chúng tôi biết rằng doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong thành công phát triển kinh tế xã hội ở đất nước các bạn”.
“Những năm qua, các loại phí không chính thức tiếp tục giảm. Đây là kết quả to lớn đạt được từ cuộc chiến chống tham nhũng. PCI chương cuối định hướng ra con đường phát triển Việt Nam trong thời gian tới. Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang áp dụng những công nghệ có quy trình hiện đại để xây dựng một nền kinh tế xanh hơn, ổn định hơn”, đại sứ Hoa Kỳ nói.
Với những nỗ lực cải cách không biết mệt mỏi trong những năm qua, PCI đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị.
Quyền Giám đốc USAID Việt Nam Brad Bessire phát biểu: "PCI đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong điều hành kinh tế của các tỉnh thành. Chúc mừng PCI về nỗ lực cải cách không mệt mỏi trong suốt 16 năm qua."
Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An và Bình Dương lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2020.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu bày tỏ sự vui mừng sau khi nhận giải quán quân năm 2020.
“Quảng Ninh 4 năm liên tiếp dành giải nhất trên bảng xếp hạng của PCI. Kết quả lần này đặc biệt hơn khi số điểm mà các doanh nghiệp đánh giá cho tỉnh Quảng Ninh đạt trên 75 điểm, cao nhất trong 10 năm gần đây”, ông Tường Văn nói: “Chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi những gì mà cộng đồng doanh nghiệp đã dành cho tỉnh trong thời gian vừa qua”.
Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam do tác động của dịch bệnh COVID-19. COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp trên diện rộng, ở hầu khắp các ngành, trên toàn bộ các vùng của cả nước; ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc làm sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trongnăm vừa qua. Các doanh nghiệp cũng đã phải cắt giảm lực lượng lao động. Các chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19 có tác động trên thực tế không đồng đều nhau, một số chính sách có hiệu ứng thực tiễn cao như giãn nộp thuế và gia hạn tiền thuê đất… Điều tra cũng cho thấy mức độ thích ứng khá cao của doanh nghiệp Việt Nam trước đại dịch.
Việc cải cách của các tỉnh tuy có tiến bộ nhưng luôn phụ thuộc vào cải cách thể chế. Đây cũng là điều mà các chuyên gia PCI cho rằng cần nỗ lực làm triệt để hơn trong thời gian tới.
“Chúng ta đã có những thành công tuy nhiên chúng ta vẫn tiếp tục phải nỗ lực, chiếc cầu thang cải cách vẫn cần được bước tiếp lên”, ông Vũ Tiến Lộc phát biểu kết thúc sự kiện: “Cải các của các địa phương phụ thuộc nhiều và thể chế. Chừng nào chưa có cải cách về thể chế thì rất khó cho cải cách của địa phương. Việc hoàn thành thang điểm 100 theo chỉ số đánh giá PCI càng về sau càng khó thực hiện”.
Theo ông Lộc, thời gian tới tiếp tục cải cách các chính sách sao cho minh bạch, không mâu thuẫn, chồng chéo để tạo nên những đột phá lớn trong 5 – 10 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành nước giàu có.