Đến dự Lễ tổng kết có sự tham dự của các Lãnh đạo Bộ Y tế, World Bank, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, đại diện các sở, trung tâm kiểm soát dịch bệnh các tỉnh và khách mời...
Trước đó, ngày 30/7/2020, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm nay ký Hiệp định Viện trợ không hoàn lại trị giá hơn 6,2 triệu USD để tăng cường năng lực của khoảng 200 phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh và Dịch tễ Trung ương (NIHE) và trên toàn quốc.
Phát biểu tại Lễ tổng kết, bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Phụ trách danh mục dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Tình hình COVID-19 tại Việt Nam đang diễn tiến nhanh chóng. Dự án khẩn cấp này không chỉ giúp Chính phủ nhanh chóng theo dõi và ứng phó với COVID-19 mà còn góp phần xây dựng một hệ thống y tế vững chắc và có sức chống chọi với các sự kiện y tế khẩn cấp trong tương lai.”
Khoản viện trợ này được dùng cho công tác mua sắm và cung cấp thiết bị nhằm nâng cao năng lực phục vụ nghiên cứu và phát triển vắc-xin mới và xét nghiệm chẩn đoán nhanh.
Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Trần Văn Thuấn với bài phát biểu khai mạc mang tính tổng quát cũng điểm qua tình hình diễn biến phức tạp của Covid -19 trên thế giới và Việt Nam. Đặc biệt là những trường hợp mới xuất hiện các ca dương tính ở Hải Dương và Quảng Ninh.
Thời gian tiếp theo của Lễ Tổng kết, các bài phát biểu dường như không tạo được sự hứng khởi và thu hút người nghe trong hội trường. Những tham luận mà các GS, TS ngành Y tế mang đến không để lại nhiều ấn tượng. Bởi nhẽ, đa phần nội dung chỉ nêu lên những số liệu thống kê. Các phương tiện truyền thông trước đó đã nói rất nhiều, thiếu những nét mới. Kết quả là ở phần hỏi đáp ý kiến khách mời, không có câu hỏi nào được nêu ra dù cả hội trường khá đông người.
Một điều khá lạ lùng ở Lễ tổng kết lần này là việc Ban tổ chức chọn Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) tham dự phát biểu về việc “nghiên cứu vắc xin”. Nhưng Trung tâm này tỏ ra ‘kém hơn’ các trung tâm khác vì đã không thực hiện đúng tiến độ sản xuất vắc xin, theo thông tin của Bộ y tế hồi tháng 10/2020. Và đến ngày 21/1/2021, trong đợt tiêm thử vắc xin gần đây diễn ra tại Đại học Y Hà Nội, là đợt tiêm thử vắc xin COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thực hiện, không hề có tên POLYVAC!
Hai trong số 4 đơn vị tham gia nghiên cứu Vắc xin xuất sắc nhất của Việt Nam là là IVAC và NANOGEN, theo đánh giá của Bộ Y tế.
(Việt Nam có bốn nhà sản xuất vaccine Covid-19, đó là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen).
Với những dự án mang tính cấp thiết quan trọng liên quan, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội, Ban tổ chức nên chọn những ý kiến từ các đơn vị xuất sắc hàng đầu, để cuộc chiến chống Covid -19 của Việt Nam đạt hiệu quả tốt hơn trong bối cảnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay - những ngày cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu.