Sáng 21/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: kết quả, bài học và định hướng 2021-2025. Đây là Hội thảo nhằm nâng cao hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xoay quanh Nghị quyết 02.
Sau phần giới thiệu khai mạc của lãnh đạo CIEM, Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết: “Quyền tài sản và đăng ký sở hữu tài sản ở Việt Nam vẫn là điểm nghẽn trong nhiều năm chậm thay đổi. Về xếp hạng năng lực cạnh tranh, mục tiêu chúng ta rất muốn vào Asean 4 nhưng hiện mới xếp thứ 7”.
“Nguyên nhân gây nên sự chậm trễ này là các điều kiện kinh doanh quy định thiếu rõ ràng hoặc can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Hiện nay vẫn còn tồn tại những điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự sửa đổi, quản lý tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, tác động của hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp còn chưa đạt hiệu ứng mạnh”, bà Thảo nói.
Tham luận tại Hội thảo, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh vẫn chưa mạnh mẽ, quyết liệt. Đó cũng là những điểm nghẽn của sự phát triển kinh tế.
“Cần có định hướng rõ ràng từ trên xuống, các nước làm được thì ta làm được!”, ông Anh Tuấn phát biểu: “các nước làm trước cho thấy sự thuận lợi, tại sao Việt Nam lại muốn làm khác?! Vì muốn khác đi, nên mới nảy sinh khó khăn và mâu thuẫn trong quá trình thực hiện, điểm nghẽn cũng theo đó xuất hiện nhiều lên”.
“Văn hóa thực thi ở mình chưa cao, khoảng cách giữa lời nói và hành động còn xa nhau. Suy cho cùng, kết quả của cải cách là người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi. Nếu để các Bộ ngành tự đánh giá thì luôn tốt! Đó chỉ là cải cách trên Ti vi, cải cách hình thức trong phòng họp”. Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết thêm.
Sau đánh giá của các chuyên gia kinh tế, một đại diện của Cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, cũng bày tỏ những khó khăn và thành tích mà cơ quan của bà đã làm trong 2 năm gần đây: “Đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh trong Nghị quyết 02, chúng tôi tuy là cơ quan đầu mối, nhưng nhiệm vụ này cần có 5 Bộ, ngành phối hợp với nhau là: Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh & xã hội. Từ 2019 – 2020, chúng tôi đã ban hành được Nghị định 122, liên thông 4 thủ tục hành chính cho doanh nghiệp: đăng ký kinh doanh – cấp mã số bảo hiểm – đăng ký lao động – mua hóa đơn. Lúc này doanh nghiệp chỉ cần đến một nơi để giải quyết và các cơ quan phải tự liên thông với nhau để xử lý vấn đề của họ. Đến nay, đã có 34000 doanh nghiệp nộp hồ sơ theo cơ chế liên thông mới ban hành này, rút ngắn được nhiều thời gian và các thủ tục cho doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh tập đoàn điện lực Việt Nam trình bày bài tham luận “Cải cách chỉ số tiếp cận điện năng”. Theo ông Dũng, Tập đoàn Điện lực liên tục cập nhật, sửa đổi quy định, quy trình kinh doanh và các chỉ đạo theo hướng cắt giảm thủ tục, hồ sơ thời gian và thực hiện ‘04 hóa’ là: Chuẩn hóa – Mẫu hóa – Đơn giản hóa – Điện tử hóa.
“Những cải cách ấy, đã giúp cho những người kỹ sư điện có thể ngồi tại nhà vẫn cung cấp được điện cho các nơi mới mà không cần đến tận hiện trường, như ở Đà Nẵng”, ông Nguyễn Quốc Dũng nói.
Điểm nhấn quan trọng của Hội thảo về “hệ sinh thái kinh doanh” là ý kiến của các doanh nghiệp. Họ là những cá nhân, tổ chức đang chịu tác động trực tiếp bởi ưu nhược điểm của chính sách kinh tế. Đó là những ý kiến cơ bản nhất, xuất phát từ gốc rễ - những tế bào tạo dựng nền kinh tế Việt Nam.
Dù chỉ còn ít phút cuối cuộc họp, Ông Đinh Việt Thanh, chuyên gia Pháp chế của Tổng công ty May 10 đã mạnh dạn bày tỏ vướng mắc mà doanh nghiệp ông gặp phải khi làm việc với các cơ quan nhà nước.
“Khi doanh nghiệp chúng tôi gặp vấn đề về giấy phép, đến hỏi Bộ này thì lại chỉ sang Bộ kia”, ông Đinh Việt Thanh Doanh phản ánh: “Doanh nghiệp gửi lên tận Chính phủ thì Chính phủ lại giao trả văn bản cho các Bộ tự trả lời. Doanh nghiệp mong muốn tháo gỡ được điểm nghẽn này”.
Theo đó là ý kiến của bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH TM và DV Nông Nghiệp Văn Đô phàn nàn về việc chậm ứng dụng trong thanh toán điện tử và hóa đơn điện tử mà bà gặp phải trên đường đi công tác.
“Tôi nghe trong nội dung cải cách nói đến việc ‘hạn chế, không dùng tiền mặt’. Nhưng hôm chủ nhật vừa rồi tôi đi từ Bắc Giang về Lạng Sơn, cả 4 cây xăng không một cây nào chấp nhận thanh toán bằng thẻ”, Giám đốc Trịnh Tú Anh phản ánh: “Trong quá trình mua hàng, doanh nghiệp chúng tôi gặp khó khăn vì nhiều nơi không chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Người ta lấy lý do “máy quẹt thẻ bị hỏng’ để không xuất hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử rất minh bạch và chống lại được việc trốn lậu thuế. Không hiểu sao Tổng Cục thuế lại kéo dài việc này để gây ra điểm nghẽn cho hoạt động kinh doanh. Đó là điều tôi muốn kiến nghị”.
Trước những phản hồi rất thực tiễn từ doanh nghiệp, Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trường Ciem đã cho thấy rõ vấn đề bằng giải đáp về sự phối hợp giữa các Bộ ngành cũng là vấn đề cần cải tiến trong thời gian tới. Hiện nay, một doanh nghiệp phải cõng đến 14 loại giấy phép, và có những doanh nghiệp không biết được mình sẽ phải cõng những quy định nào. Ông Hiếu lấy ví dụ: “việc giải quyết các mâu thuẫn về đất đai đầu tư và xây dựng, Chính phủ cũng khó quyết định giao cho Bộ nào chủ trì. Đây là một điểm nghẽn của nền kinh tế”.
“Năm 2017, Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình lên một ‘Luật sửa nhiều luật’ nhưng không được quốc hội thông qua. Phải đến 3 năm sau, năm 2020 mới bắt đầu đưa về Bộ nào sửa luật Bộ đó. Và đến nay, Luật Xây dựng, Luật tài nguyên môi trường, Luật đầu tư bắt đầu thực hiện cải cách từng nơi riêng lẻ theo ý họ. Vẫn chưa rõ những bất cập giảm đi hay tăng lên?”, Ông Phan Đức Hiếu nói.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM với bài tham luận dài gần 1 giờ đồng hồ của mình cũng khuyến nghị rằng: “các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi; các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể tái diễn, nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục duy trì”.