Cụ thể, sau khi người dùng chọn khôi phục cài đặt gốc hoặc restore (cài lại phần mềm), iPhone sẽ tiến hành kích hoạt máy và yêu cầu người dùng cắm SIM.
Lúc này, máy hiện dòng thông báo "SIM không hợp lệ. Thẻ SIM bạn đang lắp trong iPhone này là của nhà cung cấp không được hỗ trợ theo chính sách kích hoạt đang được máy chủ kích hoạt chỉ định...".
Trong trường hợp này, các máy sẽ không nhận SIM và từ chối kích hoạt, biến iPhone của người dùng trở thành “cục gạch” do không thể hoàn tất quá trình khởi tạo.
Tình trạng iPhone xách tay không nhận SIM sau khi khôi phục cài đặt gốc đang lan rộng, đến mức nhiều cửa hàng phải phát đi cảnh báo, yêu cầu khách hàng tạm dừng việc khôi phục cài đặt gốc hoặc restore máy để tránh bị khóa SIM.
Một thợ sửa iPhone lâu năm tại Hà Nội cho biết: “có 2 trường hợp xảy ra khi iPhone đang dùng bình thường, bỗng dưng bị khóa mạng. Trường hợp ít phổ biến nhất là người dùng mua phải máy câu SIM ghép. Mặc dù là iPhone khóa mạng nhưng được thợ ‘phù phép’ thành máy quốc tế, nhằm đánh lừa người dùng.
Trường hợp phổ biến hơn là người dùng đã mua phải các máy trước đây là iPhone khóa mạng. Nhưng sau đó cửa hàng nhập về, mua mã “lậu” để mở khóa. Kết quả là khi cập nhật liên phiên bản mới, mã “lậu” bị phát hiện và SIM bị khóa lại”.
Giải thích kĩ hơn về mã “lậu”, thợ sửa chữa này nói thêm: “Nếu như mã mở khóa được thanh toán bằng các hình thức hợp pháp, iPhone sẽ bình an vô sự. Tuy nhiên, nếu mã mở khóa được mua bằng hình thức phi pháp, hoặc qua các kênh trung gian không chính thống và có dấu hiệu lừa đảo tiền, nhiều khả năng Apple sẽ khóa những chiếc iPhone đó lại”.
Bàn về chất lượng iPhone được mở khóa “lậu”, thợ sửa chữa này nhận định, iPhone nói chung nếu là nguyên bản, chưa qua sửa chữa sẽ tốt ngang hàng chính hãng. Điểm trừ ở đây là máy có thể bị khóa SIM và thành cục gạch bất kì lúc nào, do hình thức mở khóa “lậu”.
Còn theo nhận định của một số cửa hàng khác, máy dính lỗi chủ yếu là máy xách tay từ thị trường Mỹ (mã LL) và Nhật Bản (J). Những máy xách tay từ Singapore (ZA) hay Hong Kong (ZP) hoặc máy chính hãng Việt Nam chưa ghi nhận tình trạng tương tự.
Hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác của hiện tượng này. Một số thông tin cho rằng, máy chủ kích hoạt sản phẩm của Apple bị lỗi. Trong khi đó, vài nguồn tin khác khẳng định Apple đang tiến hành quét những máy được mở mạng lậu để khóa server.
Theo nguồn tin này, nhiều iPhone quốc tế xách tay bán tại Việt Nam bản chất là hàng khóa mạng. Nếu muốn mở mạng, họ phải mua code trực tiếp từ nhà mạng.
Tuy nhiên, hiện có khá nhiều các dịch vụ mở mạng không chính thống, chẳng hạn dùng thẻ VISA lậu để mua code hoặc mở mạng bằng phần mềm. Do đó, khi Apple quét và phát hiện ra, họ sẽ khóa kích hoạt SIM của các sản phẩm này, đưa nó trở lại tình trạng máy lock.
Cách phòng tránh
Cách duy nhất để tránh mua phải iPhone mở khóa “lậu” là tìm tới các đơn vị có uy tín để mua hàng. Tốt nhất, người dùng nên chọn mua iPhone chính hãng, được bảo hành và chứng nhận đúng quy chuẩn. Trong trường hợp đang sử dụng một chiếc iPhone mở khóa “lậu”, người dùng tuyệt đối nên dừng cập nhật, reset hoặc restore phần mềm điện thoại, nhằm phòng tránh những mất mát và phiền phức có thể xảy ra, hạn chế iPhone bỗng dưng biến thành “cục gạch”.