Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Chương trình quốc gia nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu chung của Chương trình là phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7,0 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình trên 4,5%/năm. Chủ động sản xuất, cung ứng được trên 60% nhu cầu tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 100% cá tra bố mẹ chọn giống; cải thiện chất lượng con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025: Đến năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5,6 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình 4%/năm.
Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 30 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 30% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản.
6 nội dung chính của Chương trình quốc gia nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030
Thứ nhất là Phát triển sản xuất giống thủy sản. Nâng cao năng lực sản xuất giống thủy sản.Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất và phát triển giống thủy sản, đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng, áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học, các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn, phương pháp thử để kiểm soát, đánh giá, giám định, kiểm định chất lượng giống thủy sản.
Phát triển sản xuất giống thủy sản theo nhóm loài: tôm nước lợ, cá tra. các loài thủy sản đã chủ động sản xuất giống nhân tạo. ác loài thủy sản chưa chủ động sản xuất giống nhân tạo, các loài vi tảo, rong biển, thủy sinh vật cảnh, loài thủy sản để làm giải trí, mỹ nghệ, trang sức và dược phẩm.
Thứ hai là Phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong đó, đối với tôm nước lợ, ưu tiên phát triển các hình thức nuôi có kiểm soát nhiệt độ trong mùa đông đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế. Và ưu tiên phát triển các hình thức nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm - lúa; nuôi tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ.
Đối với cá tra, tiếp tục phát triển nuôi cá tra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp. Đối với cá nước lạnh, tiếp tục mở rộng quy mô nuôi cá nước lạnh tại các vùng có tiềm năng, phù hợp ở Tây Bắc, Tây Nguyên và một số địa phương khác…Đồng thời, cần kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản. Kiểm soát an toàn bệnh dịch và quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản
Thứ ba là Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đầu mối thiết yếu tại một số vùng sản xuất giống tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để sản xuất theo hướng hiệu quả và bền vững; ưu tiên đầu tư tại các vùng nuôi đối tượng thủy sản chủ lực, nuôi thủy sản có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng phục vụ đào tạo, tập huấn, nghiên cứu, lưu giữ con giống, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi trồng thủy sản. Đầu tư xây dựng một số trung tâm giao dịch, cung ứng dịch vụ và thương mại đối với vật tư, thiết bị và sản phẩm thủy sản, đặc biệt ở các tỉnh biên giới, vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm.
Thứ tư là Phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng vật tư và công nghiệp hỗ trợ nuôi trồng thủy sản. Phát triển sản xuất thức ăn thủy sản phù hợp với từng đối tượng nuôi, hình thức, điều kiện nuôi theo hướng giảm phụ thuộc vào bột cá; tăng tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa để giảm giá thành sản phẩm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và bảo vệ môi trường.
Phát triển sản xuất sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản có nguồn gốc từ các loại nguyên liệu thân thiện với môi trường. Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu mới, máy móc thiết bị theo hướng an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chuyển giao công nghệ, xây dựng các cơ sở sản xuất vật tư, thiết bị, cung ứng dịch vụ trong nước để chủ động sản xuất và giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nuôi trồng thủy sản.
Thứ năm là Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực quản lý, nghiên cứu, hướng dẫn kỹ thuật theo các nội dung tại Đề án về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thủy sản và Đề án về nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản. Hoàn thiện hệ thống đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành thủy sản. Tổ chức đào tạo, tập huấn về sản xuất, công nghệ mới, thị trường, quyền lợi người lao động, quy định pháp lý có liên quan. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia và đầu tư vào đào tạo, tập huấn lực lượng lao động phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Phát triển các mô hình hợp tác và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển, mở rộng các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ đồng quản lý, các mô hình liên doanh, liên kết giữa các tổ chức, cá nhân theo hình thức hợp tác gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng, phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với hoạt động kinh tế khác như du lịch sinh thái, ẩm thực, giải trí, điện gió, năng lượng mặt trời, mô hình kinh tế tuần hoàn.. Triển khai chương trình truyền thông, hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm
Thứ sáu là Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản. Phát triển công nghệ nuôi phù hợp, thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế thuốc, hóa chất... Phát triển các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong quản lý, thu gom, xử lý chất thải, nước thải từ nuôi trồng thủy sản, phụ phẩm từ nuôi trồng, chế biến thủy sản để gia tăng giá trị, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Áp dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản. Đẩy mạnh chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ tự động hóa ở các khâu liên quan đến an toàn lao động. Ứng dụng hệ thống GIS, công nghệ 4.0, công nghệ blockchain trong sản xuất, quản lý vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc, bảo đảm kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.