Theo The Guardian, chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak đang chịu sức ép cấm các quan chức sử dụng TikTok khi ứng dụng này ngày càng trở nên phổ biến trong giới chính khách Vương quốc Anh.
Alicia Kearns, chủ tịch ủy ban đối ngoại của Hạ viện Anh, cho rằng: “Chính phủ cần xem xét lại các chính sách và chuyển sang cấm các quan chức chính phủ và nhân viên quốc hội cài đặt ứng dụng trên bất kỳ điện thoại di động nào được sử dụng cho công việc.
Chúng ta cần cuộc thảo luận trên toàn quốc, kể cả với con cái của chúng ta, về tầm quan trọng của dữ liệu của chúng ta và tất cả những gì dữ liệu đó có thể tiết lộ về bản thân cũng như cách dữ liệu đó có thể khiến chúng ta dễ bị tổn thương".
Ngoài bà Alicia Kearns còn có hàng loạt các quan chức khác cũng đã lên tiếng về vấn đề này.
Trước đó, các quan chức ở châu Âu và Mỹ đã được yêu cầu hạn chế sử dụng ứng dụng video xã hội TikTok. Tuần qua, Ủy ban châu Âu quyết định đình chỉ việc sử dụng TikTok trên các thiết bị được cấp cho công chức và thậm chí cả điện thoại cá nhân nếu họ có cài đặt ứng dụng công việc.
Động thái của EU diễn ra sau khi Washington cấm nhân viên liên bang sử dụng ứng dụng này trên thiết bị làm việc từ năm ngoái.
Ở Mỹ, hơn phân nửa số tiểu bang và Quốc hội đã cấm cài ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Hôm 27/2, Giám đốc Văn phòng Quản lý ngân sách của Nhà Trắng Shalanda Young cho biết các cơ quan Chính phủ Mỹ có 30 ngày để gỡ bỏ ứng dụng TikTok trên toàn bộ các thiết bị do chính phủ quản lý và trên hệ thống liên bang.
Bà Young đã yêu cầu cơ quan chính phủ làm việc với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo an toàn cho dữ liệu của Mỹ bằng cách gỡ bỏ TikTok trên các thiết bị và hệ thống phục vụ công việc.
Cùng ngày, nghị sĩ Mike Gallagher, tân Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về vấn đề Trung Quốc của Hạ viện Mỹ, cảnh báo Bắc Kinh đang sử dụng TikTok để mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới. Qua đó, ông đề nghị cấm TikTok tại Mỹ hoặc bán ứng dụng này.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Gallagher đang thúc đẩy dự luật cấm TikTok hoặc buộc phải bán TikTok cho một công ty Mỹ. Ðây không phải là đề xuất duy nhất tìm cách hạn chế các hoạt động của nền tảng này tại xứ cờ hoa. Ủy ban Ðối ngoại Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ tranh luận và bỏ phiếu về một biện pháp đối với TikTok do chủ tịch ủy ban Michael McCaul đề xuất. “Dự luật của tôi sẽ cấp quyền cho Nhà Trắng cấm TikTok và bất cứ ứng dụng phần mềm nào đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. TikTok chính là mối đe dọa an ninh quốc gia”, ông McCaul nhấn mạnh.
Trước Mỹ và Canada, Ấn Ðộ đã cấm TikTok hồi năm 2020 vì lo ngại an ninh quốc gia.
TikTok đang rất phổ biến với giới trẻ nhưng việc ứng dụng thuộc sở hữu của Công ty ByteDance Ltd. (Trung Quốc) đã làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng nó để thu thập dữ liệu của người dùng phương Tây hoặc tung ra những thông tin có lợi cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ðáp lại, ByteDance khẳng định Chính phủ Trung Quốc không thể tiếp cận dữ liệu của người dùng và dữ liệu này được lưu trữ tại các thị trường nội địa.