Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nằm trong số các nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục trực tuyến nghiêm trọng nhất và tính cực đoan đã tăng gấp đôi trong hai năm qua.
Vào năm 2022, Tổ chức Giám sát mạng Internet (IWF) đã thực hiện việc xóa hoặc chặn 51.369 trang web chứa tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em Danh mục A.
Lượng nội dung cực đoan đã tăng gấp đôi kể từ năm 2020 khi IWF phát hiện ra 20.050 trang lạm dụng Danh mục A. Vào năm 2022, tổng số đường link chứa nội dung lạm dụng nghiêm trọng này cao hơn số lượng mà tổ chức này từng ghi nhận trước đây.
Danh mục A là loại hình ảnh nghiêm trọng nhất và bao gồm các loại lạm dụng tình dục tồi tệ nhất.
Bản báo cáo cho thấy, trẻ em tham gia càng nhỏ thì mức độ lạm dụng càng cao. Trong số những hình ảnh được tìm thấy về trẻ em từ 2 tuổi trở xuống, 81% là lạm dụng loại A. Con số này so với 50% tài liệu liên quan đến trẻ em từ 3 đến 6 tuổi, 20% từ 7 đến 10 tuổi và 17% từ 11 đến 13 tuổi.
Bà Susie Hargreaves, Giám đốc điều hành của IWF, cho biết, các nhà phân tích của họ đang chứng kiến ngày càng nhiều trẻ em bị lạm dụng và chúng ngày càng trẻ hóa. "Sau 12 năm, tôi vẫn bị sốc khi biết mức độ lạm dụng tồi tệ nhất là ở trẻ sơ sinh đến 2 tuổi. Và đó là những đứa trẻ dễ bị tổn thương nhất, hoàn toàn không có cơ hội tự vệ, bị người lớn làm mồi nhử và lạm dụng", bà Hargreaves nói.
Cũng theo bà Hargreaves: "Mọi người cần phải nhận ra đây là điều rất nghiêm trọng".
Theo tỷ lệ, tài liệu Danh mục A hiện chiếm 20% tổng số nội dung mà IWF dhi nhận, tăng từ 18% vào năm 2021 và 17% vào năm 2020. IWF cho biết, nhiều trẻ em trong số này thậm chí không nhận ra mình đang bị quay phim. Số lượng nội dung tự tạo ngày càng tăng, cho thấy những đứa trẻ bị kẻ lạm dụng từ xa bị ép buộc thực hiện các hành vi.
Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam năm 2020 của MSD cho thấy: Cứ 5 trẻ thì có 2 trẻ gặp các vấn đề rủi ro trên môi trường mạng. Theo báo cáo từ Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (số 111), trong năm 2022, Tổng đài đã tiếp nhận 419 ca báo cáo liên quan đến bảo vệ trẻ em trên mạng (398 ca tư vấn và 21 ca can thiệp liên quan đến các kênh, link, clip xấu, độc hại với trẻ em).
Còn theo Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng, của ECPAT, INTERPOL và UNICEF năm 2022, 23% trẻ độ tuổi 12-17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết, các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua (12 tháng trước cuộc khảo sát), 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn, 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm khi chưa có sự đồng ý, 2% bị yêu cầu trò chuyện về tình dục.
Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam cũng cho biết, phần lớn những trẻ nói các em từng bị xâm hại tình dục trên mạng đã không tiết lộ việc bị bóc lột và xâm hại với ai hoặc chỉ kể với một người bạn. Rất ít trẻ cho biết các em đã kể với người chăm sóc hoặc một kênh chính thức, như công an hoặc đường dây trợ giúp. Nhiều khả năng là do trẻ có thể ngại nói cởi mở về chủ đề khá nhạy cảm này.
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, Internet đang ngày càng trở thành phương tiện hữu ích. Theo thống kê, mỗi ngày có đến hơn 175.000 trẻ em truy cập mạng Internet, tìm hiểu mọi ngóc ngách trên địa cầu, tuy nhiên, không loại trừ cả những nơi mang lại nhiều rủi ro.
Trước những dấu hiệu này, phụ huynh hãy chú ý đến những thói quen của trẻ, đồng hành cùng trẻ và sẵn sàng tham gia vào những điều mà chúng từng thích thú. Bất kỳ thay đổi nào cũng có thể là dấu hiệu của lạm dụng tình dục trực tuyến. Trẻ em cần có ranh giới, và cha mẹ cũng như người lớn cần thiết lập ranh giới đó cho trẻ. Đặc biệt, những người tạo ra các ứng dụng, trò chơi và công cụ tương tự cũng nên tôn trọng trẻ em và áp dụng các biện pháp để bảo vệ khỏi các hành vi phạm tội tình dục trên môi trường mạng.