Theo Cục Công nghiệp Truyền thông & Thông tin (Cục CNTT&TT), Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo với tinh thần “Make in Viet Nam” với trọng tâm là thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam.
Tính đến tháng 7/2021, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do FTA và được đánh giá là một nền kinh tế mở. Với sự tham gia nhiều hiệp định thương mại thì hàng rào thuế quan ngày càng cắt giảm; sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT), điện tử hầu hết có thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguyên liệu vật tư linh kiện để sản xuất sản phẩm CNTT, điện tử còn có mức thuế từ 5-20%. Sự bất cập về thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc và nguyên liệu, vật tư, linh kiện (NLVTLK) dẫn đến các sản phẩm sản xuất trong nước thiếu cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu về chi phí sản xuất. Điều này ảnh hướng không nhỏ đến phát sự triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT&TT – Ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, để giải quyết bất cập về chính sách, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm phần cứng điện tử Việt Nam, ngày 31/12/2022, Bộ TT&TT đã ký ban hành Thông tư 25/2022/TT-BTTTT về xác định NLVTLK nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT, nội dung số, phần mềm. Đây là chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước trong sản xuất sản phẩm CNTT, giải quyết bất cập chênh lệch về thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc thấp hơn thuế nhập khẩu NLVTLK.
Nhằm giúp các doanh nghiệp có cái nhìn rõ hơn về Thông tư mới, ông Bùi Bài Cường – Chuyên viên Cục Công nghiệp CNTT&TT đã có bài tham luận nêu rõ bối cảnh trong nước và quốc tế của lĩnh vực công nghiệp CNTT và mục đích của Thông tư 25/2022/TT-BTTTT đối với doanh nghiệp trong nước. Thông tư sẽ giải quyết bất cập thuế nguyên chiếc 0%, thuế NLVTLK cao hơn chính là rào cản cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Bên cạnh đó thông tư chính là giải pháp cơ chế chính sách cho chiến lược “Make in Viet Nam” với trọng tâm là thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam.
Để đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong thực thi, phổ biến các chính sách trong hoạt động xuất, nhập khẩu NLVTLK phục vụ cho hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT, nội dung số, phần mềm nhằm hỗ trợ sản xuất của các doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thúy Hương – Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã chỉ rõ thực tiễn hoạt động xuất nhập khẩu NLVTLK dưới góc nhìn của doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức cũng như chịu sự cạnh tranh cao từ phía doanh nghiệp FDI.
Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp có nhiều điểm sáng tích cực trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, song thực tế cho thấy ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử. Trong khi, doanh thu ngành công nghiệp phần cứng và điện tử hiện chiếm khoảng 90% toàn ngành công nghệ thông tin, nhưng giá trị được nắm giữ chủ yếu bởi các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung vào lắp ráp và thực hiện những dịch vụ thương mại.
Ngoài ra, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện còn rất thấp, chỉ khoảng 5%-10%. Hiện hầu hết các sản phẩm trên thị trường điện tử đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước chỉ mới tham gia khâu hoàn thiện các sản phẩm bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện nhựa mà chưa làm được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực về công nghệ cũng như xây dựng quy trình sản xuất bài bản. Không những thế các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của bên mua, những tiêu chuẩn quốc tế về lao động và môi trường mà vẫn phải đảm bảo tiến độ và chất lượng hàng hóa.
Doanh nghiệp nội địa chịu sự cạnh tranh lớn từ doanh nghiệp FDI khi doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi, kê khai là doanh nghiệp chế xuất, không phải chịu thuế xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp FDI trong chuỗi được doanh nghiệp đầu chuỗi kéo về Việt Nam từ sớm, giành lợi thế về các đơn hàng.
Hội thảo là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ các chính sách, những khó khăn, vướng mắc trong thực thi hoạt động xuất, nhập khẩu để có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi trong việc thực thi chính sách xuất nhập khẩu sản phẩm CNTT. Đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu – Tổng Cục hải quan đã có hướng dẫn cụ thể về quy trình, hồ sơ, thủ tục cho doanh nghiệp trong hoạt động nhập khẩu NLVTLK sản xuất các sản phẩm CNTT, nội dung số, phần mềm nhằm giải đáp những thắc mắc từ phía doanh nghiệp.