Công ty Google thuộc Tập đoàn Alphabet tiếp tục nhận thất bại thứ hai trong vòng chưa đầy 1 năm trong vụ kháng án mức phạt hơn 4 tỷ USD liên quan đến vụ kiện chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) khi Tòa án sơ thẩm châu Âu ra phán quyết nhất trí với những cáo buộc của EU đối với hãng công nghệ này.
Cụ thể, hồi năm 2018, EC đã đưa ra cáo buộc Google tìm cách khiến các nhà sản xuất điện thoại phải cài sẵn trình duyệt Chrome và Google Search thì mới được quyền truy cập kho ứng dụng Play Store.
Tuy nhiên, Google cho rằng chính sách của hãng cũng giống như nhiều các doanh nghiệp khác và những khoản chi trả hay thỏa thuận trên nhằm duy trì Android như một hệ điều hành tự do. Theo đó, công ty này cho rằng những cáo buộc của EU là lạc hậu trong thực trạng kinh tế của các nền tảng phần mềm di động.
Trong phán quyết đưa ra ngày 14/9, Tòa án sơ thẩm châu Âu nhất trí với quyết định của Ủy ban châu Âu về cáo buộc Google áp đặt những hạn chế bất hợp pháp đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh Android và các nhà điều hành mạng di động nhằm củng cố vị trí thống trị của công cụ tìm kiếm của hãng này.
Tuy nhiên, Tòa án sơ thẩm châu Âu đồng ý giảm 5% mức phạt mà EU đưa ra đối với Google, từ 4,3 tỷ USD xuống còn 4,1 tỷ USD, khi cho rằng “có sự bất thường trong phân tích của cơ quan quản lý và chấp nhận quyền của Google bị vi phạm một phần trong một phiên điều trần công bằng”.
Google đã bày tỏ thất vọng trước phán quyết mới của tòa án. Google khẳng định hệ điều hành Android mang lại nhiều cơ hội hơn cho mọi người, đồng thời hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp tại châu Âu cũng như thế giới.
Vụ kiện hệ điều hành Android của Google chỉ là một trong 3 vụ kiện lớn về chống độc quyền mà hãng công nghệ của Mỹ này đang đối mặt.
Việc EU xử phạt các hãng công nghệ lớn đã khiến nhiều nhà quản lý trên thế giới bắt đầu có động thái tương tự, trong đó Google cũng vướng vào nhiều vụ kiện với cáo buộc tương tự tại Mỹ và một số nước châu Á.